Cảnh giác với sốt xuất huyết
Khoa Nhi, Bệnh viện (BV) Đa khoa Tâm Anh, TPHCM vừa tiếp nhận bé N.P.M. (3 tuổi, ngụ quận Tân Bình) sốt cao 3 ngày liên tục, không đáp ứng thuốc hạ sốt.
Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện trong họng bé có nhiều vết loét - biểu hiện của bệnh tay chân miệng. Một ngày sau nhập viện, bé bị chảy máu chân răng và vẫn sốt cao liên tục. Qua diễn tiến bệnh, bác sĩ khoa Nhi nghi ngờ bé mắc sốt xuất huyết (SXH) đi kèm nên làm xét nghiệm máu và siêu âm. Kết quả cho thấy, bé M. bị SXH có tụ dịch màng tim, màng phổi và trong ổ bụng.
“Bé N.P.M. bị mắc 2 bệnh đồng thời là SXH và tay chân miệng. Nhờ phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ nên đến ngày thứ 5, bé cắt sốt hoàn toàn và được xuất viện sau 7 ngày điều trị”, ThS-BS Lê Phan Kim Thoa, Trưởng khoa Nhi, BV Đa khoa Tâm Anh cho biết.
Theo BS Kim Thoa, 2 tháng qua, BV tiếp nhận hàng trăm bệnh nhi liên quan đến SXH, có thời điểm 90% số ca điều trị nội trú là trẻ mắc bệnh này. Đáng ngại hơn, trong đó có những trẻ bị SXH kèm theo một hoặc nhiều bệnh lý khác như tay chân miệng, viêm đường hô hấp, tiêu chảy, nhọt da…
Tại BV Nhi đồng Thành phố, bệnh nhi L.P.Đ. (5 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) vừa trải qua “cửa tử” khi 12 ngày luôn trong tình trạng sốt cao, hôn mê.
Theo người nhà, gia đình 5 người đều mắc Covid-19, trong đó có bé Đ. Gần 2 tuần cách ly, điều trị tại nhà, bé có dấu hiệu thở mệt, lừ đừ. Gia đình cho rằng các triệu chứng trên là do Covid-19, nhưng khi thấy bé ngày càng trở nặng nên gọi đội phản ứng nhanh của BV Nhi đồng Thành phố đến tầm soát và kịp thời đưa bé đến BV.
Qua xét nghiệm mới phát hiện bé dương tính với virus Dengue gây SXH.
BS CKI Phan Thị Phương Tâm, Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đồng Thành phố kể, lúc đó bé Đ. bị sốc sâu, rối loạn đông máu nặng, xuất huyết dạ dày, tràn dịch ổ bụng và 2 màng phổi. Bé được đặt nội khí quản, dùng thuốc vận mạch, truyền dịch đại phân tử, truyền máu. Sau hơn 20 ngày điều trị tích cực, tất cả chức năng cơ quan bị ảnh hưởng nặng bởi SXH đã dần hồi phục.
Thống kê từ BV Đại học Y Dược TPHCM, số lượt người dân đến thăm khám tại phòng khám hô hấp của BV trong 2 tuần qua ghi nhận khoảng 500 lượt/tuần, số người bệnh SXH chiếm khoảng 30%.
BV Thống Nhất TPHCM cũng ghi nhận tỷ lệ phụ nữ mang thai, người cao tuổi đến khám do các bệnh lý thường gặp trong thời điểm này cũng tăng lên đáng kể. Cụ thể, tỷ lệ người dân đến khám do bệnh về SXH, đường hô hấp, thần kinh, tiêu hóa tăng hơn 26% so với tháng 10.
Tại BV Nhi đồng 1, số ca nhập viện vì SXH cũng tăng cao, tuần thứ 2 tháng 11 có tới 42 trường hợp đang điều trị SXH nội trú và gần 100 ca điều trị ngoại trú (tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó).
Quyết liệt các biện pháp dự phòng
Theo các chuyên gia y tế, cũng như dịch Covid-19, bệnh SXH hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Điều lo ngại là người dân hiện có tâm lý lơ là, chủ quan trong phòng chống bệnh SXH.
Trong khi căn bệnh này rất dễ lây lan, chỉ cần muỗi cắn người bệnh, sau đó cắn và truyền virus cho người lành. Giai đoạn từ nay đến hết tháng 1-2022 là cao điểm của dịch SXH, với đỉnh dịch có thể xuất hiện trong tháng 11 và 12, cộng với dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, sẽ tiềm ẩn nguy cơ “dịch chồng dịch”.
Để phòng chống các bệnh liên quan đến đường hô hấp, đặc biệt là bệnh SXH, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1, khuyến cáo việc phòng ngừa các bệnh giao mùa cho trẻ em và người lớn tuổi trong giai đoạn nắng mưa thất thường rất quan trọng, bởi đây là đối tượng có sức đề kháng còn yếu, hệ miễn dịch suy giảm.
Ngoài SXH thì các bệnh về đường hô hấp, tiêu chảy, viêm da, dị ứng da, tay chân miệng, sốt siêu vi, sởi… cần được người dân hết sức lưu ý. “Cần chú ý là, cả nước đã có nhiều trường hợp mắc SXH tử vong trong thời gian gần đây, do đó phải quyết liệt hơn nữa các biện pháp dự phòng”, BS Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.
Nhằm ngăn chặn bệnh SXH bùng phát, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho rằng, ý thức tự phòng bệnh của người dân luôn là yếu tố quyết định cho việc kiểm soát thành công. Sự cảnh giác sẽ giúp mỗi người chủ động phòng tránh những rủi ro sức khỏe cho bản thân, gia đình cũng như cộng đồng. Mỗi người hãy dành thời gian dọn dẹp tất cả vật dụng, bể chứa nước có lăng quăng. Không có vật dụng chứa nước thì muỗi không có nơi sinh sản. Không có muỗi thì không có bệnh SXH.