Ông bạn có tuổi tóc hoa tiêu nhấp xong hơi tẩu thuốc, nói nhẹ như sương khói viền quanh ngày: “Ngồi đây cà phê với anh em bạn bè, kể chuyện đời xưa, đời nay, hỏi thăm sức khỏe, tâm tình để còn nhớ nhau. Lát về thì chuyên tâm làm cái gì đó có ích cho vợ con, cho bản thân. Bạn bè rủ nhau nhậu mà nói xấu người này, thọc mạch người kia, ghét lắm. Thà ở nhà xem ti vi sướng hơn. Chơi là phải vui, còn không thì thôi!”.
Nỗi buồn thì từ ngàn xưa tới nay, đâu riêng bây giờ mới có. Một số người còn mượn cớ buồn để tạo cảm hứng sáng tạo, là sự thăng hoa bất tận, nhưng cạn nghĩ nên nó chưa đúng hoặc chỉ trúng với một vài người nào đó thôi! Buồn là buông xuôi, dễ làm theo cảm tính, nhất thời, không còn sáng suốt để nhận định phải - trái, đúng - sai… nên dễ nhầm lẫn hoặc gây ra những chuyện đáng tiếc, có khi hối cũng không kịp.
Thì đó, một số bạn trẻ áp lực học hành, gói mình trong thế giới ảo, cho nên ước mơ thì vời vợi, hiện thực thì nông nổi. Người lớn cũng ích kỷ lắm! Cũng vì muốn con mình giỏi, điểm phải cao, có thành tích môn năng khiếu hoặc sở trường nào đó, vô tình khiến cha mẹ ngày càng xa con cái.
Họ biến con cái thành nơi thỏa mãn niềm khát vọng mà họ chưa làm được, hoặc mục tiêu mà họ nhắm tới. Tiếng thở của con, cha mẹ nào thấu! Sự cô đơn ấy là những tiếng thở dài bên gối, tiếng thủ thỉ của riêng mình, hoặc cho bạn bè ảo trên mạng xã hội. Một lúc nào đó, không thể gượng dậy trước những áp lực hoặc cú sốc, bạn trẻ đành lao mình theo dòng nước, hoặc làm một liều thuốc ngủ mãi mãi… Nhưng chết nào có hết. Bao hệ lụy sau đó, bao nỗi buồn chẳng vơi mà mọc cánh bay lên.
Nếu ai cũng cho là mình có nỗi buồn lớn thì thế gian này chẳng còn niềm vui, thì sự sống mòn dần hay sao. Cơ bản của nỗi buồn là vì mình nắm giữ. Kết quả không như mong đợi thì khổ sầu, tư tưởng đi vào ngõ cụt, tự ái, trốn tránh trách nhiệm bằng cách nhảy lầu, nhảy cầu tìm đến cái chết. Con người tự cho là động vật bậc cao, tinh khôn, mạnh mẽ nhất, nhưng có khi chúng ta “tự tôn” quá chăng.
Mình đã khuân vác được vật nặng bằng hoặc gấp đôi thân thể mình như loài kiến vác hạt gạo trên lưng? Mình có thể chịu nổi sự nóng bức, khô hạn, cô độc đi giữa sa mạc như loài lạc đà? Cơ bản là chúng ta luôn cần nhau, túc trực trong nhau để chia sẻ, không thổ lộ thì khó chịu, đau khổ. Có khi nói ra lại thấy nhẹ lòng, hoặc lại càng tăng thêm phần bi lụy cho mình và cho cả người nghe.
Tôi hỏi cô bạn: “Nỗi buồn giá bao nhiêu?”. Cô bạn đưa ngón tay cái ra và nói: “Nó như que kem ấy mà!”. Ừ, hãy để nó ngọt ngào và tan chảy. Buồn và vui, đau khổ và hạnh phúc, và còn nhiều cặp đối xứng như vậy vẫn thường trực quanh ta. Chúng hiển nhiên, dự phần vào đời sống ta. Nếu ta không tự cân bằng thì lập tức nó trở thành trò chơi bập bênh và sẽ chênh vênh trong sự dẫn dắt của nỗi buồn, của người khác. Mọi việc rồi cũng sẽ qua. Tuy vậy, cố gắng vượt thoát nỗi buồn sẽ thấy đời còn lắm niềm vui. Mình tạo niềm vui cho mình sẽ sinh ra niềm vui cho những người mình gặp.
Sự cộng hưởng ấy tạo thành sợi dây tươi vui êm đẹp chạy dọc hành trình làm người. Dẫu cuộc sống vẫn vô vàn khó khăn, có nước mắt và có khi là máu chảy nữa, nhưng nếu buồn để rồi tự tử, đóng cửa “chơi một mình” thì cái buồn đó là trốn trách nhiệm, tự làm khổ mình, uổng một đời nên vóc nên hình hài.
Bạn lại dắt cái buồn vào trong niềm vui đang có. Ta cùng thưởng thức và sẽ thấy, que kem nỗi buồn kia tan nhanh lắm. Hậu nó cũng ngọt và thi vị như đất trời phải có ngày và đêm, mưa và nắng.