Nhà lúc đông lúc vắng (NXB Tổng hợp TPHCM) là tập tản văn thứ 4 và là tập sách thứ 7 của nhà văn Hoàng My. 56 bài viết trong tập sách chủ yếu xoay quanh chủ đề gia đình, gần như nói thay nỗi lòng của những người con, người vợ, người chồng trong xã hội hiện đại.
Cũng chẳng khó để vẽ nên một hình ảnh tiêu biểu của một gia đình hiện đại: người chồng đi làm, thường trở về nhà rất muộn, có hôm say xỉn; người vợ cũng đi làm, trở về nhà cũng đã quá mệt mỏi, căng thẳng sau một ngày đủ sự kiện lẫn sự cố ở văn phòng. Còn những đứa con trải qua phần lớn thời gian ở trường, đến khi về nhà thì hôi hám, nhếch nhác.
Lúc về nhà, tưởng đâu là cơ hội để các thành viên trong gia đình quây quần, hỏi han nhau nhưng sự mệt mỏi, áp lực đã đẩy họ ra xa. Người ôm điện thoại, người ôm laptop, không khí trong nhà chìm đắm trong im lặng. Nhà văn Hoàng My đã đưa ra một thực tế phổ biến hiện nay: sự mất kết nối giữa các thành viên trong nhà.
Chị viết: “Tôi nhận ra dường như chúng ta đã quên hỏi nhau đã trải qua một ngày như thế nào, có niềm vui bé mọn nào không. Có lúc nào thấy mình đang tận hưởng cuộc sống, hay chỉ là bộn bề công việc, bao thứ phải lo toan này nọ”.
Những bài viết trong tập tản văn thực sự có ý nghĩa thức tỉnh người đọc về cách mình đã quan tâm và yêu thương những người thân trong gia đình của mình như thế nào. Như trong bài viết Có ba chờ, người con gái cứ mải miết quay cuồng với công việc của mình, thậm chí vì áp lực cuộc sống mà đôi khi có những lời lẽ không phải với ba.
Dẫu không cố ý nhưng cũng vô tình để lại trong lòng người già những tủi hờn, bởi “người già sẽ dần tới đoạn giống như một đứa trẻ cô độc, mong ngóng một chỗ dựa, một chốn thân tình nhẹ nhàng”. Để đến khi ba khuất bóng, chỗ ông thường ngồi không dưng trở nên trống trải, giống như lòng người con cũng không biết lấy gì lấp đầy.
Vẫn biết “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nhưng đọc Nhà lúc đông lúc vắng vào những ngày cuối năm, có lẽ người đọc cũng được an ủi phần nào đó. Bởi, điều mà tác giả mong muốn gửi đến bạn đọc qua tập sách này, là “hãy cố gắng để những ngày bên nhau, dưới một mái nhà thật nhiều ấm êm, sum vầy nhất, hãy bớt những cáu gắt đành hanh bận bịu, để lắng nghe người thân yêu của mình với sự kiên nhẫn dịu dàng nhất có thể”. Chỉ có như vậy thì những yêu thương mới được nhân lên.