Kết quả cho thấy, Đề án mang lại nhiều tín hiệu tích cực, lợi nhuận ròng từ 1,3 - 6,2 triệu đồng/ha, giảm phát thải khí nhà kính từ 2-6 tấn CO2/ha so với ruộng đối chứng… Tuy nhiên, để triển khai rộng rãi Đề án này, ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương và các chủ thể liên quan cần tháo gỡ nhiều bất cập, vướng mắc lẫn thách thức.
Thành công từ mô hình thí điểm
Đầu tháng 7-2024, 50ha lúa trồng thí điểm đầu tiên theo Đề án tại Hợp tác xã (HTX) Tiến Thuận (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) được thu hoạch với năng suất, chất lượng đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí đặt ra. Đại diện Bộ NN-PTNT, Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam đánh giá, kết quả đạt được từ diện tích lúa thí điểm này không chỉ giúp cải thiện thu nhập cho nông dân, mà còn khẳng định thêm niềm tin vào Đề án.
Diện tích lúa của HTX Tiến Thuận nói trên là một trong những diện tích đã được Bộ NN-PTNT thực hiện thí điểm cho Đề án ở 5 địa phương, gồm: Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang và Đồng Tháp. Trong đó, Cần Thơ là địa phương xuống giống và thu hoạch đầu tiên trong vụ hè thu 2024. Qua vụ thu hoạch, TS Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia cao cấp của IRRI, nhìn nhận: Việc giảm lượng lúa giống còn 60kg/ha, tương đương giảm được chi phí về giống 1,2 triệu đồng/ha; phân bón giảm 0,7 triệu đồng/ha; năng suất đạt từ 6,3-6,5 tấn/ha (trong khi, cách thức sạ lan và sạ hàng không vùi phân chỉ đạt từ 5,8-6,1 tấn/ha). Về hiệu quả kinh tế, lúa thực hiện Đề án tăng lợi nhuận ròng từ 1,3 - 6,2 triệu đồng/ha. Còn về giảm phát thải khí nhà kính, mô hình giảm từ 2-6 tấn CO2 /ha so với ruộng đối chứng…
Như vậy, những ruộng lúa thí điểm thu hoạch đầu tiên tại HTX Tiến Thuận đã đạt cả hai tiêu chí quan trọng: tăng năng suất, nâng cao thu nhập của nông dân và giảm phát thải nhà kính như mục tiêu quan trọng của Đề án đặt ra.
Tính toán để triển khai hiệu quả
Theo Nghị định số 62/2019/ NĐ-CP (ngày 11-7-2019), người trồng lúa sẽ được hỗ trợ nếu áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa. Tuy nhiên, theo TS Trần Tấn Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, chưa có tiêu chuẩn, tiêu chí như thế nào là giống mới, lúc nào gọi là giống mới, lúc nào là giống cũ? Có thể ở tỉnh này giống lúa A là cũ, nhưng ở tỉnh kia lại là giống mới. Cụ thể như trường hợp thí điểm tại Sóc Trăng là giống ST25, như vậy là giống mới hay cũ? Tương tự, đối với thiết bị, kỹ thuật, công nghệ mới cũng sẽ gặp băn khoăn này. Ngoài ra, công tác quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp của Đề án cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.
TS Trần Tấn Phương cho rằng, theo tiêu chí đề án là không đốt rơm rạ, không vùi rơm rạ, thế nhưng trong thực tế sẽ gặp không ít khó khăn. Nếu vào mùa khô, rơm rạ dễ dàng được xử lý, được thu mua để sản xuất nấm rơm, thức ăn cho gia súc, phân bón… Nhưng khi vào mùa mưa, nông dân không thể đốt, cũng không thể vùi rơm thì buộc phải thu gom rơm lại để ủ phân, nhưng cần có diện tích lớn. Bên cạnh đó, để áp dụng việc sạ lúa theo quy trình mới giúp giảm số lượng giống 30%-40%; thực hiện biện pháp tưới ướt, khô xen kẽ tiết kiệm nước… thì việc san bằng mặt ruộng bằng tia laser là rất quan trọng.
Bộ NN-PTNT và cơ quan chức năng đang khẩn trương hoàn thiện các dự án bổ trợ khi thực hiện Đề án, trong đó có Dự án “Cơ sở hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”. Tổng nhu cầu đầu tư dự án là hơn 472 triệu USD (gần 11.800 tỷ đồng); tổng diện tích lúa đưa vào dự án là 949.000ha; mức đầu tư dao động từ 325-794 USD/ha. Đây là dự án đầu tư vào công trình thủy lợi nội đồng; giao thông kết nối các khu sản xuất lúa; khu chức năng logistics phục vụ chuỗi giá trị lúa gạo; hoạt động chuyển giao công nghệ; hoạt động mua sắm thiết bị đồng ruộng…
Thế nhưng, TS Trần Tấn Phương cho rằng, điều kiện máy móc thiết bị hiện tại không thể đáp ứng được trên diện tích lớn, chi phí cũng tương đối cao. Nếu mặt ruộng lồi lõm, cao thấp, mực nước không đều thì lúa cũng phát triển không đồng bộ, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. Việc bán tín chỉ carbon cũng đòi hỏi quy trình, thiết bị, công nghệ, chi phí... làm sao phải mang về lợi ích cao nhất cho người nông dân. Trước thực tế còn nhiều bất cập, khó khăn, một số địa phương đăng ký thực hiện Đề án với diện tích hạn chế.
Do đó, Bộ NN-PTNT lưu ý, các địa phương phải tính toán cẩn thận khi đăng ký diện tích lúa sản xuất trong Đề án, cân đối nguồn nhân lực khoa học để khi thực hiện không xảy ra lúng túng. Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, để thực hiện thành công Đề án, rất cần các địa phương chung tay hoàn thiện kỹ năng cho đội ngũ cán bộ khuyến nông, kiện toàn hệ thống HTX nông nghiệp, kết nối sự hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp bài bản hơn theo hướng có trách nhiệm.
Theo TS Nguyễn Cao Quan Bình (Viện lúa ĐBSCL), ĐBSCL có khoảng 26-28 triệu tấn rơm rạ/năm, cần có giải pháp quản lý rơm rạ theo hướng tuần hoàn, phát thải thấp. Nói nôm na, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp được hiểu là phụ phẩm, đầu ra của khâu sản xuất này được sử dụng để làm đầu vào của khâu sản xuất khác, từ đó, hạn chế tối đa việc phát thải ra môi trường. Nhiều kết quả thực hiện tại ĐBSCL cho thấy, kinh tế tuần hoàn từ rơm kết hợp với cơ giới hóa thu gom rơm để trồng nấm, ủ phân giúp tăng 10% thu nhập cho nông dân và giảm tới 30% phát thải carbon.