3 tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang và Long An có diện tích trồng thanh long lớn nhất nước với hơn 45.000ha, chiếm 82% diện tích và 90% sản lượng. Nhưng giữa lúc toàn ngành trái cây Việt đang tăng trưởng xuất khẩu kỷ lục hơn 78% so với cùng kỳ năm trước, thì loại trái cây “vua” từng giúp nhiều nông dân làm giàu lại phải ngậm ngùi chịu cảnh rớt giá, mất thị trường tiêu thụ. Người trồng cây thanh long nếm đủ nụ cười và nước mắt.
Hiện nay, tình trạng nhà vườn chặt bỏ cây thanh long đang diễn ra ở nhiều nơi. Các “vương quốc” thanh long Bình Thuận, Tiền Giang, Long An, giảm mỗi tỉnh vài ngàn hécta. Kim ngạch xuất khẩu thanh long nước ta rơi từ 1,27 tỷ USD năm 2018 xuống còn chưa đến 600.000 USD hiện nay.
Trong khi đó, Trung Quốc chiếm đến 90% kim ngạch xuất khẩu thanh long của nước ta đã phát triển vùng trồng và vượt diện tích trồng thanh long Việt Nam. Quốc gia này cũng áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt nhập khẩu thanh long, giảm và dẹp đường tiểu ngạch, tăng cường nhập khẩu qua chính ngạch.
Bài học chuyện mía “đắng”; tiêu, điều, cam quýt dội chợ; hành tím, khoai lang, dưa hấu lâm vào tình cảnh chờ “giải cứu” đã từng xảy ra. Mới năm trước, thanh long được đưa vào vị trí đầu tiên trong 14 loại trái cây chủ lực của quốc gia theo đề án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cây ăn trái chủ lực của Bộ NN-PTNT, thì nay lại rớt giá thảm hại. Điều đó đặt ra vấn đề phải làm sao phát triển bền vững cho ngành hàng giàu tiềm năng này. Cần sự tiếp cận tổng thể, sự phối hợp đa ngành và giải quyết liên ngành để ngành hàng thanh long nói riêng và rau quả nói chung phát triển bền vững trong tương lai.
Theo đề án xuất khẩu của Bộ NN-PTNT, đến năm 2025, toàn ngành trái cây sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 5 tỷ USD. Tuy nhiên, năm nay, xuất khẩu trái cây có khả năng sẽ đạt con số này, vượt kế hoạch 2 năm, nhưng trái thanh long lại đang rơi ngược hướng. Quy hoạch vùng trồng chúng ta đã có, có cả đề án về phát triển công nghiệp chế biến, trong đó có chế biến trái cây, xác định thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, 3 việc này cần phải tích hợp lại.
Yêu cầu không chỉ đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc, giống, biện pháp canh tác, mà còn rất cần nâng cao chất lượng liên kết, hợp tác giữa nhà vườn, doanh nghiệp. Muốn các nhân tố trong chuỗi giá trị trái cây nói chung và thanh long nói riêng liên kết tốt, phải đảm bảo tiêu chuẩn và chế tài nghiêm. Cần tổ chức tốt chuỗi liên kết sản xuất thực chất từ vùng trồng - cơ sở đóng gói - cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật - doanh nghiệp xuất khẩu nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.
Thách thức cạnh tranh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân ngày càng cao; trách nhiệm của cơ quan hoạch định cơ chế, chính sách, pháp luật, định ra quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng để đáp ứng yêu cầu của thị trường ngày càng lớn. Cần có “công nghệ” cạnh tranh, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng được thương hiệu, vừa đẩy mạnh xuất khẩu, vừa phát triển các kênh tiêu thụ sản phẩm trong nước, rất cần có sự đầu tư phát triển chế biến sâu ngành hàng trái cây.
Cùng với đó, cần xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tiếp cận thị trường, nguồn vốn, mua sắm máy móc, tích tụ đất đai, áp dụng công nghệ để phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, tăng quy mô sản xuất và tham gia hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp trong các chuỗi giá trị. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề; trình độ, hiệu quả công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Sớm hình thành các tổ hợp đủ mạnh để hỗ trợ, chủ động ứng phó, tạo ra giá trị thặng dư dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Phát triển ngành hàng trái cây tích hợp đa giá trị là hướng đi bền vững để người trồng trái cây thôi lặp lại điệp khúc “cười - khóc”.