
Tiêu dùng xanh tăng trưởng ấn tượng
Theo báo cáo của Bộ Công thương, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm giai đoạn 2021-2023. Báo cáo còn cho biết, 72% người tiêu dùng (NTD) Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh, cho thấy nhận thức và sự quan tâm ngày càng tăng của người dân đối với vấn đề bảo vệ môi trường.
Thực vậy, theo kết quả cuộc khảo sát được Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao công bố giữa tháng 3-2025, NTD sẵn sàng chi trả nhiều hơn để mua các sản phẩm thực phẩm, đồ uống đã trải nghiệm và cảm nhận tích cực, truy xuất được nguồn gốc, nhiều người chọn dùng, đạt các chứng nhận hoặc có thành phần tốt cho sức khỏe. Lựa chọn an toàn không chỉ đối với thực phẩm đồ uống, mà còn là xu hướng lựa chọn đối với các sản phẩm thuộc nhóm ngành tiêu dùng nhanh (FMCG) nói chung. “Nhu cầu sử dụng sản phẩm an toàn, tăng cường sức khỏe vẫn là xu hướng thịnh hành những năm gần đây. Sự quan tâm của NTD đối với sản phẩm được dán nhãn hữu cơ (organic) hay nhãn xanh - thân thiện môi trường gia tăng, cho thấy cộng đồng NTD Việt ngày càng ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, tiêu dùng có trách nhiệm hơn”, ông Nguyễn Văn Phượng, người phụ trách cuộc khảo sát, cho biết. Đặc biệt, theo cuộc khảo sát, một đặc điểm hành vi của NTD mà các doanh nghiệp nên lưu ý là nguồn tham khảo thông tin. Chẳng hạn, khi mua thực phẩm, NTD có xu hướng lựa chọn nguồn thông tin có chỉ số tin tưởng cao nhất là dựa trên chính sự trải nghiệm của họ. Kế đến, nguồn thông tin được NTD tham khảo nhiều là từ người thân/ bạn bè, người bán hàng. Còn đối với sản phẩm phi thực phẩm, nguồn thông tin từ người bán hàng được NTD tham khảo nhiều nhất, kế đến là người thân/bạn bè, người am hiểu/chuyên gia…
Từ thực tế khách hàng mua sắm tại hơn 800 điểm bán gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… cũng như kinh nghiệm triển khai nhiều hoạt động liên quan đến tiêu dùng xanh, ông Huỳnh Thanh Tuấn, Giám đốc Quản lý chất lượng, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op), nhận xét, xu hướng tiêu dùng bền vững ngày càng rõ nét. Qua nhiều chiến dịch và chương trình, Saigon Co.op nhận thấy NTD đã có nhận thức đúng đắn hơn về sản phẩm xanh và ưu tiên lựa chọn sản phẩm thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, khi chấp nhận chi trả cao hơn cho sản phẩm xanh, NTD có xu hướng chọn doanh nghiệp và điểm bán uy tín, nơi có quá trình kiểm soát nghiêm ngặt. Ông Huỳnh Thanh Tuấn cũng lưu ý, vẫn tồn tại trường hợp khách hàng nghi ngờ tính minh bạch của sản phẩm, không chỉ với hàng hóa xanh mà còn nhiều sản phẩm khác. Điều này đặt ra yêu cầu cho các nhà phân phối phải có giải pháp phù hợp để củng cố niềm tin của NTD. Vì vậy, các doanh nghiệp phải truyền thông rõ ràng về quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm, giúp khách hàng hiểu và yên tâm hơn khi lựa chọn mua sắm sản phẩm.
Tìm cách kéo giảm giá sản phẩm xanh
Theo ông Sử Ngọc Danh, Giám đốc Kênh chuyên dụng Signify Việt Nam, sản phẩm xanh vẫn chưa thể cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm sản xuất theo phương thức truyền thống do chưa đạt giá trị ngang bằng về chi phí, hiệu suất, giá trị sử dụng. Do vậy, các doanh nghiệp nên chọn lựa phân khúc thị trường phù hợp, như tập trung vào thị trường có tiêu chuẩn cao, nơi NTD và đối tác sẵn sàng chấp nhận và hỗ trợ sản phẩm bền vững.
Là lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất nhiều sản phẩm đáp ứng tiêu chí xanh, có 2 năm liên tục được vinh danh Doanh nghiệp xanh TPHCM, ông Vương Ngọc Dũng, Giám đốc Tiếp thị và phát triển thị trường Công ty CP Mỹ phẩm Sài Gòn (SCC), cho biết, SCC đang áp dụng quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2015, CGMP (thực hành sản xuất mỹ phẩm tốt) và ưu tiên nguyên liệu tự nhiên trong các sản phẩm của mình. Điển hình như dòng dầu gội Fresh với thành phần bồ kết, bưởi, gừng, hương nhu... hay dòng nước hoa Miss Saigon và Miss Vietnam sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường, bao bì có thể tái chế, không thử nghiệm trên động vật. Những lựa chọn này vừa bảo vệ sức khỏe NTD, vừa giúp giảm tác động đến hệ sinh thái.
SCC cũng đã đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời tại nhà máy sản xuất, giúp tiết kiệm hơn 10% lượng điện năng tiêu thụ mỗi năm; giảm phát thải khí nhà kính. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn với hàng giá rẻ nhập khẩu. Vì vậy, tối ưu hóa sản xuất để có giá thành cạnh tranh là tiêu chí mà SCC đang nỗ lực. Dù vậy, chất lượng sản phẩm luôn là tiêu chí hàng đầu mà doanh nghiệp hướng đến và đổi mới theo hướng tốt hơn. SCC cam kết tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm mang đến những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất, sản phẩm thân thiện môi trường, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của xã hội và nền kinh tế Việt Nam.
Cũng khẳng định việc hạ giá bán là yếu tố then chốt để NTD tiếp cận sản phẩm xanh, theo bà Đặng Huỳnh Ức My, Chủ tịch Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS), các doanh nghiệp phải cải tiến công nghệ, tiết giảm chi phí bằng việc đầu tư bài bản và tối ưu quy trình sản xuất, canh tác. Bà khẳng định, khi đầu tư bài bản ngay từ đầu, giá trị sản phẩm sẽ tăng lên, chi phí sản xuất ở các giai đoạn sau sẽ giảm đáng kể và đây cũng là cách mà TTC AgriS thực hiện để đưa sản phẩm đến NTD.