Để người nông dân, doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử hiệu quả

“Ở Trung Quốc, người ta bán hàng theo hình thức livestream từ đồng ruộng mà bán được số lượng rất lớn. Nhưng ở Việt Nam, theo tôi, những việc như vậy cần sự vào cuộc của HTX hoặc doanh nghiệp, còn nông dân chỉ tham gia một phần. Nông dân có thể tự giới thiệu sản phẩm...", góp ý của một doanh nghiệp.

Ngày 23-11, Bộ Công thương đã tổ chức cuộc tọa đàm về chủ đề: “Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thông qua thương mại điện tử” trước xu thế thương mại điện tử ngày càng mở rộng (nhất là sau đại dịch Covid-19) và hiện đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến của nhiều người dân, doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Bình Minh

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Bình Minh, ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, hiện nay tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam đang ở mức độ cao nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2020, chúng ta tăng trưởng khoảng 18%, năm 2021 tăng khoảng 15%-16% và đây là mức tăng trưởng đáng kinh ngạc của khu vực. 

“Có thể nói thương mại điện tử Việt Nam đang bùng nổ rất mạnh, cơ hội phát triển thị trường nông sản trên các sàn thương mại điện tử là rất lớn”- ông Minh nhận xét, đồng thời cho biết hầu hết các sàn của Việt Nam đều nằm trong top 10 sàn lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Đây là cơ hội rất thuận lợi cho bà con nông dân cũng như sản phẩm của các vùng miền.

Gần đây, các cơ quan nhà nước, các hiệp hội ngành nghề cũng như các địa phương đã hỗ trợ bà con rất nhiều trong quá trình tham gia các sàn quốc tế, ví dụ như Alibaba, Amazon hoặc các sàn của Việt Nam mà có tham vọng mở rộng ra quốc tế, ví dụ như Voso của Viettel, Vietnam Post…

Thu hoạch vải thiều ở Bắc Giang và Hải Dương

Đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam dẫn ví dụ Bắc Giang là tỉnh dẫn đầu về tiêu thụ nông thổ sản của bà con nông dân thông qua thương mại điện tử. Từ năm 2021, nhờ có Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới EVFTA cùng với sự hỗ trợ của Voso, những tấn vải thiều đầu tiên đã được đưa tới Berlin - Đức để bán với giá rất cao, mở ra tín hiệu nông sản Việt Nam có thể đến những thị trường cao cấp trên thế giới thông qua thương mại điện tử. 

Đại diện cho các đơn vị sản xuất, ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc HTX Hồng Xuân, cho biết đây là một trong những HTX có lô hàng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ và Nga, đồng thời cũng là HTX đầu tiên của tỉnh Bắc Giang được chứng nhận quốc tế Global GAP.

Ông Phạm Văn Dũng

“Ngoài cung cấp sản phẩm cho hệ thống tiêu thụ trực tiếp tại các siêu thị của Central Retail, Winmart… thì hiện chúng tôi đang tiêu thụ sản phẩm qua sàn thương mại điện tử cuccu.vn”- ông Dũng cho biết. Để sản phẩm được đưa lên các sàn thì phải có giấy.

chứng nhận an toàn thực phẩm và các chứng nhận như VietGAP, Global GAP. Không chỉ đảm bảo chất lượng, có thể truy xuất nguồn gốc khi cần mà còn phải có bao bì, nhãn mác đẹp. 

“Ngoài ra chúng tôi phải nêu ra được nhật ký chăm sóc, tiến tới sẽ chuyển dần sang nhật ký chăm sóc điện tử, khách hàng khi truy cập vào mã sản phẩm có thể biết được quy trình chăm sóc các sản phẩm của chúng tôi như thế nào”- ông Dũng nói thêm. 
 
Mặc dù vậy, triển khai kênh tiêu thụ qua thương mại điện tử cũng không dễ. Giám đốc HTX Hồng Xuân cho rằng, khó khăn nhất là khi khách hàng đặt mua online với số lượng ít nhưng vẫn cần phải giao ngay, giao sớm, trong khi quy trình thu hái, bảo quản, đóng gói, vận chuyển trái cây tươi không đơn giản, cần xe chuyên dụng, xe lạnh… mà đơn đặt hàng nhỏ lẻ thì chi phí cao. 

Bên cạnh đó, để bán online, luôn phải bố trí người trực tổng đài, trực gian hàng online… không phải lúc nào cũng đáp ứng được. 

Ông Trần Văn Hiếu

Cùng chung dự báo bán hàng thông qua thương mại điện tử sẽ có tiềm năng rất lớn, ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và tư vấn môi trường DACE, cho biết hiện đơn vị này đang sử dụng các sàn như Alibaba, Lazada, Shopee…

“Ở Trung Quốc, người ta bán hàng theo hình thức livestream từ đồng ruộng mà bán được số lượng rất lớn. Nhưng, ở Việt Nam, theo tôi những việc như vậy cần sự vào cuộc của HTX hoặc doanh nghiệp, còn nông dân chỉ tham gia một phần nào đấy. Nông dân có thể tự giới thiệu về sản phẩm nhưng việc quản lý marketing, quản lý big data để theo dõi được quy trình của thị trường, hành vi của người tiêu dùng… thì cần phải có sự tham gia của doanh nghiệp”- ông Hiếu góp ý. 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Bình Minh khẳng định, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đang có vai trò làm một cầu nối giữa những người bán là các doanh nghiệp cung cấp nông sản, các hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể cung cấp nông sản và các sàn thương mại điện tử, để giúp các doanh nghiệp và nông dân có thể đưa được sản phẩm của mình lên sàn.  

Ông Minh cho rằng, để làm được mục tiêu này, công việc cần tập trung trước mắt là đào tạo nguồn nhân lực thương mại điện tử, đào tạo cho người nông dân và các doanh nghiệp để họ có thể ứng dụng thương mại điện tử một cách hiệu quả.

Đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết trong nửa đầu năm 2022, hiệp hội này đã kết nối tất cả mạng lưới trường đại học ở Việt Nam về đào tạo thương mại điện tử. Đến nay, có khoảng 40 trường đại học đang tham gia mạng lưới này.

“Điều này cho thấy thấy mạng lưới cung cấp nguồn nhân lực cho thương mại điện tử ở Việt Nam ngày càng có chất lượng và bài bản, có sự gắn kết rất chặt chẽ”- ông Minh nhận xét. 

Tin cùng chuyên mục