“Tối qua vừa bị “hốt” xe về đồn giam 10 ngày, nộp phạt 7 triệu đồng, tước bằng lái xe 23 tháng”; “Anh chị em thường xuyên bia bọt chú ý nhé, lực lượng CSGT nhiều địa phương ra quân kiểm tra xử lý nghiêm nồng độ cồn, không du di kiểu “anh em mình”. Ngoài lực lượng CSGT sẽ có lực lượng giám sát điều lệnh kiểm tra đột xuất, sẽ lập biên bản xử lý cả CSGT du di “tha cho anh em mình” vi phạm nồng độ cồn đó nha”…
Những “nhắc nhở” từ những người bị phạt lẫn chưa bị phạt như trên ngày một lan rộng trong cộng đồng “lưu linh”.
Dân nhậu bây giờ kháo nhau nên để xe ở nhà trước khi đến quán nhậu hoặc đã đến quán nhậu thì kiên quyết đi xe công nghệ hay taxi để về. Dường như đang hình thành trở lại ý thức tuân thủ quy định: Đã uống rượu bia thì không lái xe.
Dư luận mới đây cũng bày tỏ sự đồng tình với một số địa phương như Đà Nẵng khi kiên quyết nói không với tình trạng “xin xỏ”, “alô” nhờ can thiệp này nọ khi bị xử phạt liên quan vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn thành phố này.
Câu hỏi đặt ra là vì sao quy định chế tài và xử phạt đối với hành vi lái xe khi đã uống rượu bia đã có từ lâu nhưng đến nay lại trở thành thời sự nóng đối với người dân nói chung và “bợm nhậu” nói riêng? Mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn từ năm 2020 đến nay không thay đổi và được cho là khá cao, với người lái mô tô lên tới 8 triệu đồng, ô tô lên tới 40 triệu đồng, đồng thời tước giấy phép lái xe lên tới 24 tháng. Rõ ràng, không phải mức phạt không đủ răn đe mà có thể thấy, thời gian qua việc triển khai công tác xử phạt liên quan đến hành vi này chưa nghiêm minh, chưa triệt để. Đâu đó vẫn còn tồn tại tình trạng “xin xỏ”, “nhờ vả” để bỏ qua lỗi vi phạm. Cứ thế, lâu dần nhiều người bắt đầu lờn luật. Và thực tế này không chỉ xảy ra với mỗi chuyện xử phạt vi phạm nồng độ cồn.
Tại Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngày 9-2 vừa qua, Thượng tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, năm 2023, lực lượng CSGT xác định chuyên đề trọng tâm, xuyên suốt là xử lý vi phạm về nồng độ cồn. Theo đó, lực lượng chức năng tại các địa phương sẽ xử lý thường xuyên, quyết liệt và kiên quyết hình thành thói quen đã uống rượu bia không lái xe, chấn chỉnh người tham gia giao thông và lực lượng thực thi công vụ để đảm bảo thượng tôn pháp luật…
Dư luận kỳ vọng, lần này ngành công an sẽ thực sự vào cuộc quyết liệt để việc người dân không lái xe khi đã uống rượu bia không chỉ vì lo sợ bị phạt mà trên tất cả, đó sẽ trở thành một thói quen, một hành vi văn hóa khi tham gia giao thông của mọi người, như chúng ta đã rất thành công với việc “phải đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy”.
Nhìn rộng ra, việc xử lý nghiêm minh, kiên trì, quyết liệt đối với các hành vi vi phạm pháp luật nói chung chứ không riêng gì ngành nào sẽ tạo nên tinh thần thượng tôn pháp luật; góp phần triệt tiêu vấn nạn nhũng nhiễu, tiêu cực đang làm tha hóa một bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ, công chức, làm giảm tính hiệu lực, hiệu quả của bộ máy công quyền; qua đó góp phần trả lại niềm tin của xã hội về những chuẩn mực tốt đẹp của nền pháp chế xã hội chủ nghĩa…