Ngày 9-2, Thành ủy TPHCM tổ chức hội thảo về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Phước Lộc, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Hội thảo có nhiều bài tham luận, ý kiến phát biểu sâu sắc, tâm huyết của các đại biểu đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Cùng với đó là các giải pháp kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Vũ khí sắc bén nhất là tự phê bình và phê bình
Đồng chí Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM cho rằng, đối với Đảng, vũ khí sắc bén nhất là tự phê bình và phê bình. Tuy nhiên, hiện nay nội dung này chưa được thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc. Chỉnh đốn Đảng thực tế là chỉnh đốn trách nhiệm của tổ chức đảng đối với quản lý và xây dựng trách nhiệm của đảng viên.
Đồng chí Phạm Chánh Trực phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Đồng chí cho rằng, trong chỉnh đốn Đảng, cần thực hiện kiểm điểm từ Trung ương trước để làm gương, rồi dần dần xuống, cuối cùng là đảng viên các chi bộ cơ sở. Cùng với đó, củng cố, kiện toàn chi bộ cơ sở, tăng cường công tác kiểm tra nội bộ Đảng và quản lý, kiểm tra đảng viên từ sớm. Lãnh đạo cần thường xuyên bám cơ sở, đảng viên sâu sát gần gũi quần chúng lao động, nhất là người nghèo.
Với nhận định “Kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt”, đồng chí Phạm Chánh Trực kiến nghị Trung ương chủ trương giao nhiệm vụ cho đảng viên lãnh đạo quần chúng làm kinh tế hoặc hướng dẫn đảng viên tham gia làm kinh tế tư nhân. “Không nên để đảng viên tự xoay sở hoặc bàng quang đứng ngoài kinh tế”, đồng chí Phạm Chánh Trực nêu quan điểm.
Mạnh dạn bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung
Đồng thuận với các ý kiến tại hội thảo, đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM cho rằng triển khai xây dựng Đảng phải đồng bộ ở tất cả các cấp, phải phát huy dân chủ, “xây” gắn với “chống”, nêu cao trách nhiệm nêu gương, thực hiện phê bình tự phê bình...
Đồng chí Phạm Phương Thảo phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Dù vậy, đồng chí cho rằng cần làm rõ trách nhiệm trong xử lý đánh giá cán bộ để có chế độ khen thưởng, xử phạt công minh. “Không đổ lên, không đổ xuống và cũng không xử lý theo dây chuyền mà phải xử lý đúng người, đúng trách nhiệm”, đồng chí Phạm Phương Thảo nêu ý kiến.
Song song đó, phải mạnh dạn bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. “Chúng ta cứ nói bảo vệ nhưng hiện nay bảo vệ được bao nhiêu, bảo vệ được ai để cán bộ nhìn vào đó để tự tin dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung?”, đồng chí đặt câu hỏi và cho rằng thực tế có nhiều vụ việc xử lý theo kiểu dây chuyền.
Trong xây dựng Đảng, đồng chí Phạm Phương Thảo nhận định cần mạnh dạn đề nghị sửa đổi những quy định không còn phù hợp. Hiện có những quy định rất khó khăn cho cơ sở.
Ví dụ, chi bộ nào không kết nạp được đảng viên thì chi bộ đó không được xếp loại xuất sắc, bí thư chi bộ không được xếp loại xuất sắc, dù bất kể lý do là gì, điều kiện của họ ra sao.
“Quy định như vậy là quá khắt khe, cần phải kiến nghị sửa đổi để phù hợp hơn với thực tiễn”, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo đề đạt.
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Đồng chí Phạm Phương Thảo cũng đề cập đến một số bất cập trong công tác quy hoạch và thi tuyển cán bộ. Theo đồng chí, hiện cán bộ phải vào quy hoạch mới được bổ nhiệm. Trong khi thực tế, có nhiều trường hợp không có trong quy hoạch nhưng chúng ta xem xét bổ nhiệm.
“Trong quy hoạch của Đảng, người đứng đầu tại địa phương không phải là người địa phương mà là người ở nơi khác. Vậy ai quy hoạch cho người đó là người đứng đầu ở địa phương mình?”, đồng chí hỏi và cho rằng rất khó khăn khi chức danh đó phải trong quy hoạch mới được bổ nhiệm.
Ở khía cạnh khác, việc thi tuyển công chức đang có một số bất cập, đó là có những người làm công tác đoàn, thể ở cơ sở nhưng thi tuyển không trúng, người không làm công tác đoàn thể bao giờ thì lại trúng. Trong khi, trước đây nói, phong trào nào cán bộ đó, từ phong trào có cán bộ.
Do đó, đồng chí cho rằng cần xác định lại việc thực hiện thi tuyển gắn với xét tuyển thế nào, cần phải duy trì xét tuyển đối với nhiều trường hợp và phải tính đến thực tiễn công tác tại cơ sở.
Phát huy vai trò giám sát của dân
Nói đến vai trò giám sát trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đồng chí Huỳnh Đảm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, các cấp ủy Đảng, toàn thể cán bộ đảng viên nhận thức rõ, đầy đủ nội hàm hệ thống chính trị.
Đồng chí Huỳnh Đảm phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Thông qua hội thảo này, đồng chí Huỳnh Đảm mong muốn các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, công chức của TPHCM hãy khẳng định và tỏa sáng tư tưởng Hồ Chí Minh về khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đối với mặt trận hiện nay, không chỉ ở thành phố mà lan tỏa trên cả nước.
Trong xây dựng Đảng, đồng chí nhấn mạnh đến công tác cán bộ là then chốt của then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Đồng chí Huỳnh Đảm nêu lại những vụ việc đau xót vừa qua khi có nhiều cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao bị kỷ luật, xử lý hình sự.
Theo đồng chí, một bộ phận cán bộ này hư hỏng là do bản thân không tu dưỡng, trui rèn. Về mặt khách quan nhưng cũng mang tính chủ quan đó là vai trò lãnh đạo của một số cấp ủy Đảng đối với đội ngũ cán bộ là buông lỏng, chưa có cơ chế phòng ngừa từ sớm từ xa.
Đồng chí Huỳnh Đảm cho rằng, ngoài cơ chế lãnh đạo của Đảng, phải phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc giám sát đội ngũ cán bộ đảng viên một cách thực chất. Bởi thực tế hiện nay, có nhiều lúc, nhiều nơi vẫn chưa phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong giám sát một cách thực chất.
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM Lê Thị Hờ Rin phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Điều này, theo đồng chí, dẫn đến câu chuyện người dân thấy, biết nhưng không muốn nói, không dám nói hoặc không có cơ chế bảo vệ nên họ không dám nói. Thực tế, nơi nào cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện thì nơi đó hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy được vai trò giám sát.
Vì vậy, đồng chí kiến nghị cần có cơ chế đủ mạnh để phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đúng nghĩa, để từ đó tổ chức nhân dân thực hiện quyền làm chủ một cách đích thực.
Đồng chí cũng nhắc lại việc TPHCM thực hiện chính quyền đô thị, ở các quận, phường không còn HĐND. Vậy trong điều kiện này rất cần một cơ chế đủ mạnh để phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
TPHCM đã có một bước tiến đó là có Đề án 06 về “Nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam TPHCM và nhân dân giám sát tổ chức Đảng, đảng viên, hoạt động của chính quyền các cấp TPHCM giai đoạn 2021-2030”. Thời gian tới, đồng chí Huỳnh Đảm đề nghị cần phải tiến lên một bước nữa đó là trong giám sát phải có nhận xét, đánh giá và lấy phiếu tín nhiệm cán bộ.
Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần thiết phải đánh giá lại độ tin cậy thực sự của Đảng với nhân dân. Và người dân sẽ kiểm chứng niềm tin đó.
Chúng ta nói tin dân mà những nơi nước sôi lửa bỏng, việc dân cần lại không dám đến gần dân, không trả lời dứt khoát, không giải quyết thấu đáo với dân thì rất khó.
Theo đồng chí, phải đo đếm lại lòng tin của chúng ta với dân và dân với chúng ta; đồng thời, đo đếm đánh giá cán bộ trên cơ sở giải quyết được những vấn đề người dân yêu cầu, chứ không phải cán bộ nhìn mặt lãnh đạo, lãnh đạo nói gì thì nói theo, làm theo mong muốn của lãnh đạo mà phải làm theo ý Đảng, lòng dân.