“Điểm nóng” một thời
Ngôi nhà 3 tầng, diện tích hơn 200m2 của gia đình ông Trần Quang Anh nằm sừng sững giữa khu đất rộng cạnh nhà thờ tại khu tái định cư mới, điều mà nhiều năm trước khi còn ở thôn Cồn Dầu cũ, ông Anh và nhiều người dân vẫn không dám nghĩ tới. Cách đó không xa, ngôi nhà 2 tầng của hộ ông Nguyễn Văn Phước cũng khang trang nổi bật với màu ngói xám. Ông Anh, ông Phước là 2 trong số 12 hộ đầu tiên chấp hành chính sách hoán đổi đất của thành phố trong dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân về nơi ở mới. “Ban đầu cũng lo lắng, nghĩ ngợi lắm, bởi bao năm đã gắn bó với đất đai ruộng vườn ông bà tổ tiên, bây giờ về nơi ở mới cuộc sống ra sao, làm gì... không thể biết được nên cứ phải đắn đo, dùng dằng. Nhưng rồi nghĩ đây là chủ trương lớn của thành phố, mình là công dân nên phải tuân thủ, ủng hộ”, ông Phước nhớ lại.
Tuy vậy, không phải ai cũng có suy nghĩ như ông Anh, ông Phước. Hơn 10 năm trước, khi dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân triển khai, phường Hòa Xuân (đặc biệt là khu vực Cồn Dầu) trở thành “điểm nóng” dai dẳng khi nhiều hộ dân không chịu hợp tác di dời hoặc phản ứng về giá cả, nơi ở mới, phương thức đền bù không thỏa đáng… mặc dù đã được chính quyền địa phương phân tích, thuyết phục. Nhiều trường hợp, các lực lượng chức năng phải áp dụng biện pháp cưỡng chế để dự án kịp tiến độ, dẫn đến tình trạng chống đối, khiếu kiện vượt cấp kéo dài. Gần đây nhất, tháng 11-2018, UBND quận Cẩm Lệ phải kiên quyết cưỡng chế 5 hộ dân không chịu di dời tại tổ 21, phường Hòa Xuân, càng khiến tình trạng đất đai trên địa bàn thêm phức tạp.
Năm 2008, dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết với quy mô 437,2ha, gần 100ha đất bị giải tỏa trắng, cùng hàng ngàn hộ dân phải di dời để bàn giao mặt bằng cho dự án.
Theo ông Nguyễn Văn Quyết, Bí thư phường Hòa Xuân, đến thời điểm này đã có gần 6.500 hồ sơ bàn giao mặt bằng để triển khai thi công dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, đạt 99%. Riêng khu vực Cồn Dầu có 2.043 hồ sơ, đã bàn giao khoảng 1.900 hồ sơ, đạt 93%. “Bên cạnh một số hộ dân còn lo lắng về nơi ở mới, hoặc chưa thỏa mãn về giá cả đền bù, hoán đổi nên chưa chịu di dời, thì cũng không ít người bị kẻ xấu lợi dụng kích động, nên chúng tôi phải phân tích những đúng - sai để bà con thấu hiểu và chấp hành chủ trương của thành phố. Với những người lợi dụng chuyện đất đai để quấy rối, chính quyền địa phương sẽ kiên quyết xử lý”, ông Quyết cho hay.
Kiên trì vận động
Ông Nguyễn Văn Quyết cũng xác định việc giải tỏa, di dời, bàn giao đất cho dự án là chủ trương lớn của thành phố nên chính quyền luôn lắng nghe và thường xuyên tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và đồng thuận. Cùng với đó là triển khai nhiều giải pháp, như nêu cao vai trò của đảng viên, thành lập tổ dân vận, lựa chọn những người có kinh nghiệm và uy tín tham gia tổ dân vận. Qua nhiều lần kiên trì thuyết phục, đa số bà con đều thống nhất chủ trương xây dựng phát triển đô thị, chấp nhận giải tỏa di dời, chỉ còn một số hộ khu vực Cồn Dầu chưa chấp hành.
“Để làm tốt công tác giải tỏa đền bù, phát triển đô thị, hàng năm, ban thường vụ phường đều đề ra nghị quyết về công tác dân vận. Trong đó, tập trung xây dựng phong trào dân vận khéo. Để thực hiện được việc này, phường đã xây dựng các đoàn thể, phối hợp với các tổ dân phố và lựa chọn ra những đồng chí có kinh nghiệm nắm vững chủ trương chính sách của Nhà nước. Đặc biệt, trong quy hoạch giải tỏa đền bù, ngoài vận động đại trà, phường cũng tổ chức vận động cá biệt, đến từng hộ gia đình tuyên truyền, giải thích; qua đó nắm được tư tưởng, nguyện vọng cũng như hoàn cảnh từng hộ để đề xuất cấp thành phố có những chủ trương, giải pháp phù hợp”, ông Quyết cho biết.
Đến năm 2015, việc giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành, ngoại trừ khu Cồn Dầu. Theo ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ: “Trong quá trình giải tỏa di dời, đối với những hộ không chấp hành chủ trương; trước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế, thường trực Quận ủy, UBND quận đã chỉ đạo Ủy ban MTTQ VN quận Cẩm Lệ thành lập các tổ vận động đến thông báo kết quả giải quyết của thành phố, nắm bắt nhu cầu, đề xuất của từng hộ gia đình, phân tích và trả lời một số ý kiến của người dân về những đề xuất không phù hợp; qua đó đề nghị các hộ gia đình thực hiện chủ trương của Nhà nước, bàn giao mặt bằng, nhận đất tái định cư sớm. Đặc biệt, trước khi tổ chức cưỡng chế, ban thực hiện cưỡng chế còn tổ chức vận động lần cuối, kể cả hỗ trợ thêm và điều chỉnh tái định cư để người dân tự nguyện ký biên bản bàn giao mặt bằng, đồng thuận cùng thành phố”, ông Sơn nói.