Khắc phục bất cập để thu hút hành khách
Đối tượng thường xuyên sử dụng xe buýt để đi lại trong thành phố nhiều nhất là sinh viên và phụ nữ. Nhiều sinh viên thường xuyên sử dụng xe buýt để đi học phản ánh rằng có những kẻ móc túi lấy tiền của hành khách nhưng mọi người đi trên xe sợ bị hành hung nên im lặng.
Thêm nữa, chuyện các nữ sinh viên bị những kẻ biến thái đụng chạm, sàm sỡ trên xe là chuyện thường xuyên. Một số người lao động thường xuyên đi lại bằng xe buýt cũng than phiền việc kết nối giữa các tuyến xe buýt còn hạn chế, thường hành khách phải đi 2 - 3 tuyến xe mới đến nơi, mất nhiều thời gian, bất tiện.
Một nguyên nhân làm cho số người đi xe buýt giảm liên tục là việc đi bộ để đến các trạm xe buýt ngày càng khó do vỉa hè bị chiếm dụng buôn bán và đậu xe, nhiều cầu trong nội thành không có hành lang cho người đi bộ, nên nhiều đoạn phải đi xuống lòng đường, không an toàn.
Do vậy nhiều người dân không dám cho con đi học bằng xe buýt. Các điểm dừng đậu, đón trả khách chưa hoàn thiện, trong số gần 4.500 điểm dừng xe buýt, chỉ có 540 nhà chờ xe buýt, nên ở nhiều trạm hành khách phải đội mưa, đội nắng để đón xe.
Để người dân TPHCM không quay lưng với xe buýt, trước hết cần cải thiện các tiện nghi trên xe buýt, cải thiện thái độ phục vụ, đặc biệt là chú ý nhiều hơn đến việc bảo đảm an toàn, an ninh cho hành khách. Công việc dọn dẹp vệ sinh các trạm dừng cũng như vệ sinh trên xe buýt cần được duy trì thường xuyên, để tạo cảm giác thoải mái, thân thiện cho hành khách đi xe buýt.
Nên có chủ trương chuyển đổi phương tiện theo hướng giảm xe buýt lớn, tăng xe buýt cỡ vừa và nhỏ, nhằm thích hợp với từng tuyến đường giao thông ở các quận huyện; chỉ sử dụng xe loại lớn cho các tuyến đường lớn, vùng ven, đông hành khách.
Cũng cần lập các bãi giữ xe máy cho hành khách đi xe buýt tại cửa ngõ thành phố, để người dân ngoại thành thuận tiện gửi xe, đi xe buýt vào nội thành làm việc, học tập.
ĐÔNG GIA, quận Gò Vấp, TPHCM
Tạo thuận tiện cho hoạt động xe buýt
Tôi từng đi làm bằng xe buýt với quãng đường khoảng 15km mà phải mất hơn một giờ, lắm khi mất thêm 30 phút, tương ứng với một tiếng rưỡi đồng hồ. Mỗi khi xe buýt tấp vào trạm đón trả khách trở ra đều cắt ngang dòng xe máy, xung đột giao thông, nên giảm tốc độ. Tài xế xe buýt phải thắng gấp liên tục khiến hành khách nhào về trước, mệt mỏi vì bị dằn xóc, mất thăng bằng.
Đi học, đi làm hàng ngày bằng xe buýt có tiện lợi như rèn luyện sức khỏe, có điều kiện quan sát cuộc sống xung quanh, nhưng lại phải lo rủi ro rình rập vì nhiều khi phải đi bộ dưới lòng đường để đến trạm; khi qua đường thì các phương tiện giao thông không nhường người đi bộ.
Từ đó làm mất dần thói quen đi bộ ở nhiều người, càng khó thu hút hành khách đi xe buýt. Nếu không tạo thói quen đi bộ ngay từ bây giờ, thì đâu chỉ riêng xe buýt, ngay cả metro sau này - được cho là phương tiện công cộng vận chuyển khối lượng lớn - cũng khó thu hút hành khách.
Vấn đề lập một số làn đường riêng cho xe buýt để rút ngắn thời gian lưu thông, thu hút thêm hành khách, góp phần giảm xe cá nhân đã được đặt ra.
Tuy nhiên, trong điều kiện đường sá hẹp và đông đúc, mật độ giao thông căng thẳng thì không dễ bố trí làn đường riêng cho xe buýt. Nên chăng hãy chọn những tuyến đường hướng trục rộng có luồng hành khách lớn và tần suất hoạt động cao như xa lộ Hà Nội, Trường Chinh, Cộng Hòa, Phạm Văn Đồng, Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt…
Làn riêng dành cho xe buýt vẫn sử dụng cho các loại xe cứu hỏa, cứu thương, công an, quân đội, ngoại giao, cứu nạn hoặc làm nhiệm vụ khẩn cấp, kể cả xe tang.
Nếu muốn xe buýt trở thành phương tiện giao thông công cộng chủ lực, thu hút nhiều người sử dụng, thì phải tạo thuận tiện cho hoạt động xe buýt. Nên có thêm những kế hoạch mang tính lâu dài.
Chẳng hạn trong quá trình quy hoạch hạ tầng, mở rộng hay nâng cấp công trình giao thông, hãy hướng đến thiết kế làn đường riêng hoặc ưu tiên cho xe buýt. Đặc biệt với 5 tuyến đường trên cao mà TPHCM đang kêu gọi đầu tư, bổ sung làn riêng cho xe buýt sẽ có nhiều thuận lợi hơn.
TRẦN VĂN TƯỜNG, quận 9, TPHCM