Dự báo đến năm 2050, người cao tuổi ở nước ta sẽ chiếm 26% dân số, đưa nước ta trở thành quốc gia “siêu già”. Mặc dù những năm gần đây tuổi thọ của người Việt Nam đã tăng lên, nhưng số tuổi sống khỏe mạnh vẫn thấp. Tỷ lệ người cao tuổi mắc bệnh cao, trung bình mỗi người cao tuổi nước ta phải chịu 14 năm bệnh tật trong cuộc sống của mình và 95% mang nhiều bệnh lý song hành với người cao tuổi như các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, thoái hóa khớp, loãng xương, sa sút trí tuệ... Dù người Việt có tuổi thọ xếp hạng 58/177 nước trên thế giới nhưng số năm trung bình khỏe mạnh của người dân chỉ xếp thứ 116/177. Người cao tuổi ở Việt Nam đang đối mặt với thách thức “sống thọ nhưng chưa sống khỏe”. Vì vậy, chính sách để người cao tuổi sống khỏe và sống tốt đang là vấn đề cần được quan tâm.
Hầu hết người cao tuổi hiện nay thường mắc các bệnh mãn tính phải điều trị suốt đời, nên nhu cầu khám chữa bệnh rất lớn và chi phí y tế điều trị rất tốn kém. Trong khi đó, chỉ 30% người cao tuổi được hưởng lương hưu, 70% không có trợ cấp gì và rất nhiều người già vẫn phải tự lao động kiếm sống; 95% người cao tuổi có sức khỏe kém, do đó dẫn đến thực trạng khá phổ biến là người cao tuổi bị bệnh nặng mới dám đi khám chữa bệnh và khi đó chi phí điều trị lại càng tốn kém. Thông thường, chi phí điều trị cho người cao tuổi cao gấp 8 - 10 lần người trẻ, mặc dù số người cao tuổi chỉ chiếm 10% dân số nhưng sử dụng tới trên 50% chi phí điều trị mỗi năm. Việc kiểm tra định kỳ sức khỏe cho người cao tuổi ở tuyến xã/phường cũng chỉ là kết hợp các đợt khám từ thiện của các bệnh viện và cũng chỉ bao phủ được khoảng 30% - 40% người cao tuổi. Với mong muốn người cao tuổi sống thọ, sống vui khỏe, Bộ Y tế đang nỗ lực trong việc hoàn thiện các cơ chế chính sách và nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở để dự phòng và quản lý các bệnh không lây nhiễm, phù hợp với giai đoạn dân số già và gánh nặng bệnh tật ở người cao tuổi.
Theo các chuyên gia y tế, công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cần dựa vào cộng đồng. Để làm được điều đó cần phát triển mô hình y tế gia đình; củng cố các hệ thống bệnh viện chuyên về lão khoa và nhân lực trong chăm sóc người cao tuổi. Việt Nam cũng cần phát triển nhiều mô hình như nhà dưỡng lão phù hợp với truyền thống văn hóa; đẩy mạnh phát triển y tế cơ sở để không chỉ phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu mà còn giúp chăm sóc người cao tuổi mắc các bệnh mãn tính. Bên cạnh đó, có chính sách phát huy vai trò của người cao tuổi trong xã hội - đây là một trong những phương pháp chăm sóc tốt nhất trong bối cảnh “già hóa dân số” đang tăng nhanh. Các ngành chức năng cần can thiệp về dịch vụ y tế (cung cấp dịch vụ y tế dự phòng, chẩn đoán sớm và kiểm soát bệnh mãn tính); thực hiện can thiệp chăm sóc dài hạn, giúp nâng cao năng lực, sức khỏe hành vi cho người cao tuổi khi về chiều.