Ngày 5-1, Sở NN-PTNT Gia Lai đã có báo cáo và đề nghị UBND tỉnh Gia Lai xử lý các đơn vị có liên quan đến các vi phạm ở Công trình Hồ chứa nước Ia Rtô (tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Gia Lai làm chủ đầu tư, xây dựng tại xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai).
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, việc chủ đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ia Rtô quyết định thực hiện khi chưa có ý kiến của người quyết định đầu tư như: Xử lý thấm nền đập, bổ sung biện pháp dẫn dòng trong mùa lũ 2020… là vượt thẩm quyền, do đó đề nghị UBND tỉnh Gia Lai xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định pháp luật về quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT cũng đề nghị xử phạt theo quy định pháp luật đối với chủ đầu tư dự án về hành vi tự quyết định điều chỉnh thiết kế mà không được thẩm định hoặc phê duyệt.
Ngoài ra, Sở NN-PTNT cũng đề nghị xử phạt hành chính đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và đơn vị thi công công trình do có vi phạm. Cụ thể, đối với đơn vị tư vấn thiết kế, quá trình khảo sát đánh giá địa chất nền đập, xác định trữ lượng và chỉ tiêu cơ lý của mỏ vật liệu đắp đập không phù hợp dẫn đến thiếu đất trong quá trình thi công, xác định cấp đất đá không phù hợp. Đối với đơn vị tư vấn giám sát, Sở NN-PTNT cho rằng, hạng mục xử lý nền đập (bổ sung thêm khoan phụt vữa) chưa được người quyết định đầu tư cho phép nhưng để tổ chức thi công là vi phạm.
Đối với đơn vị thi công, hạng mục xử lý nền đập (bổ sung thêm khoan phụt vữa) chưa được người quyết định đầu tư cho phép nhưng đã tổ chức thi công là vi phạm. Đơn vị thi công có trách nhiệm tổ chức khắc phục hậu quả theo quy định.
Cũng liên quan đến vụ việc, Sở NN-PTNT cũng đề nghị UBND tỉnh cho phép thuê tư vấn độc lập đủ năng lực để kiểm toán chất lượng các hạng mục đã thi công, trên cơ sở đó báo cáo UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh thanh tra toàn bộ dự án.
Trước đó, Sở NN-PTNT Gia Lai đã chỉ ra hàng loạt tồn tại ở dự án Hồ chứa nước Ia Rtô. Trong quá trình xây dựng công trình, chủ đầu tư dự án đã tự ý thay đổi biện pháp xử lý thấm nền đập bằng tường hào Bentonai thành phương pháp khoan phụt vữa và tường hào Bentonai. Công việc này đã được tổ chức thực hiện xong từ tháng 6-2020 dù cơ quan thẩm quyền chưa cho phép thực hiện.
Ngoài ra, tại Hạng mục đập của hồ chứa đang thiếu khoảng 240.000m³ đất đắp thượng, hạ lưu đập và lõi chống thấm. Nguyên nhân của tình trạng thiếu đất bồi đắp là do thiết kế bãi vật liệu để khai thác đắp đập không đủ trữ lượng; đất đắp khối chống thấm thiết kế khai thác ở bãi khai thác không phù hợp về cự ly theo quy định pháp luật. Tổng cộng, kinh phí cho các khối lượng, công việc bổ sung và phát sinh là khoảng hơn 23,1 tỷ đồng.
Được biết, nhà thầu tư vấn lập dự án là Công ty TNHH tư vấn Trường Đại học Thủy Lợi; nhà thầu giám sát thi công là Liên danh Công ty CP tư vấn xây dựng thủy lợi II (HEC II) và Công ty TNHH đầu tư xây dựng Tân Việt.
Theo quyết định đầu tư, dự án cấp nước tưới cho 600ha cây trồng và phục vụ sinh hoạt cho khoảng 40.000 người dân, hoàn thành trong năm 2020 nhưng do chậm tiến độ nên công trường còn ngổn ngang.