Góp ý cho dự luật sửa đổi, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, nêu thực tế đa số nạn nhân của bạo lực gia đình là phụ nữ. Thế nhưng, phụ nữ lại phải đi tạm lánh, phải thoát khỏi nơi ở trong khi người bạo hành lại không phải ra đi. Do đó, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ đề nghị cần xem xét xử lý thỏa đáng đối với người bạo hành.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM, đề nghị bổ sung một số hình thức chế tài đối với hành vi bạo lực, như: giáo dục bắt buộc, cấm tiếp xúc, hạn chế quyền nuôi con…, nhằm đảm bảo người gây bạo lực phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Thượng tá Lê Mạnh Hà cũng đề nghị nghiên cứu thêm quy định về việc nhận con nuôi đối với trẻ em bị bạo hành gia đình do chính cha, mẹ gây ra (khi không có người thân bảo trợ, nuôi dưỡng).
Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TPHCM, đề nghị bổ sung hành vi vô cảm (không báo tin, không ngăn ngừa) khi chứng kiến hành vi bạo lực gia đình xảy ra. Bởi trong thực tế, nếu không vô cảm thì sẽ có nhiều trường hợp bạo lực gia đình được ngăn chặn kịp thời.