Báo cáo công tác dân nguyện tháng 12 của Quốc hội, do Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều 18-1 nêu rõ, cử tri và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh đối với với các trường hợp lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để đầu cơ, “thổi giá” bất động sản gây nhiễu loạn thị trường; vi phạm trong việc công bố thông tin, ‘‘bán chui” cổ phiếu.
Cử tri và nhân dân cho rằng, đây là những hành vi làm ảnh hưởng lớn đến sự minh bạch, phát triển lành mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam và làm mất niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đáng lưu ý, thời gian qua, cử tri rất lo lắng và bức xúc tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích (đuối nước, ngã từ nhà cao tầng, nổ điện thoại, điện giật, ...); trẻ em bị mẹ kế, bố dượng thậm chí bố mẹ đẻ bạo hành; trẻ em bị xâm hại tình dục; trẻ em bị sang chấn tâm lý, trầm cảm do áp lực học tập, giãn cách xã hội lâu ngày bị tách khỏi môi trường giáo dục... ngày càng gia tăng, mức độ rất nghiêm trọng được nhiều báo chí, dư luận xã hội phản ánh.
“Cử tri đề nghị cần có các biện pháp hữu hiệu hơn để chăm sóc, bảo vệ và phát triển toàn diện đối với trẻ em; xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của trẻ em”, ông Dương Thanh Bình nhấn mạnh.
Hiện nay, Tết Nguyên đán cận kề, đề nghị Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố có giải pháp để hỗ trợ công nhân, người lao động, người có thu nhập thấp về quê đón tết an toàn.
Cử tri đề nghị Quốc hội, HĐND các cấp tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát, nhất là giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chính sách liên quan đến phục hồi và phát triển kinh tế, chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch, bệnh Covid-19; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; giám sát phòng, chống tham nhũng; tăng thời lượng chất vấn của đại biểu Quốc hội với các thành viên Chính phủ. Cử tri cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội cần sâu sát với cơ sở, cùng nhân dân và cử tri địa phương giám sát các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Bên cạnh đó, cử tri còn kiến nghị một số vấn đề về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định cụ thể trong Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Thi hành án dân sự…
Cũng theo báo cáo nêu trên, qua báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 2 của 63 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Dân nguyện tổng hợp được 923 kiến nghị của cử tri.
Qua báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri phục vụ kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV của các đoàn đại biểu Quốc hội, Ban Dân nguyện tổng hợp được 218 kiến nghị của cử tri.
Đối với 536 kiến nghị cử tri gửi đến sau kỳ họp thứ nhất, trong tháng 12, Ban Dân nguyện đã nhận được thêm 21 văn bản trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến sau kỳ họp thứ nhất. Như vậy, tính đến nay, đã có 536/536 kiến nghị của cử tri gửi đến gửi đến sau kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV được giải quyết, trả lời, đạt tỷ lệ 100%.
Đối với kiến nghị cử tri gửi đến trước kỳ họp thứ 2, Ban Dân nguyện đã nhận được thêm 1.055 văn bản trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến trước kỳ họp thứ 2. Như vậy, tính đến nay, mặc dù chưa hết thời hạn trả lời nhưng đã có 1.315/1.707 kiến nghị cử tri đã được giải quyết, trả lời; một số cơ quan đã trả lời 100% kiến nghị cử tri gửi đến.
Về tình hình khiếu nại, tố cáo, Ban Dân nguyện lưu ý, trên phạm vi cả nước có xu hướng tăng hơn so với tháng trước. Tại trụ sở tiếp công dân ở Trung ương, Ban Dân nguyện và các cơ quan Trung ương đã tiếp 385 lượt công dân đến trình bày về 166 vụ việc; trong đó khiếu nại 74 vụ việc, tố cáo 18 vụ việc, kiến nghị, phản ánh 74 vụ việc; có 19 lượt đoàn đông người, về 18 vụ việc (tăng 178 lượt người và 58 vụ việc so với tháng trước).
Trong phạm vi cả nước, nổi nên một số vụ việc khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự liên quan đến đất đai; ô nhiễm môi trường; dự án nhà ở chung cư...