Hai công ty đề nghị được lắp đặt dây chuyền đốt rác kết hợp phát điện cho Côn Đảo với công suất khoảng 250-300 tấn/ngày, thời gian xử lý hơn 70.000 tấn rác trong vòng 7 tháng với giá thành từ 500.000-600.000 đồng/tấn, tương đương với số tiền thực hiện dự án khoảng 35-42 tỷ đồng.
Đây là dây chuyền hoạt động ngoài trời, diện tích lắp đặt nhỏ, không cần xây dựng nhà máy nên sau khi xử lý xong rác thải thì có thể tháo dỡ mang về đất liền. Hoặc nếu tỉnh có nhu cầu thì sẽ cải tiến lại dây chuyền giữ lại ở đảo xử lý lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày khoảng 15-30 tấn tùy vào yêu cầu.
Ông Lê Tuấn Quốc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết đây là phương án khá hay, giải quyết nhanh được lượng rác thải tồn đọng ở Côn Đảo nên yêu cầu nhà đầu tư cung cấp hồ sơ pháp lý của dây chuyền để Sở TN-MT xem xét tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý trên nguyên tắc đảm bảo thông số môi trường cho Côn Đảo. Nếu tỉnh chấp thuận dự án thì nhà đầu tư phải ký quỹ cam kết để bảo đảm thực hiện đúng tiến độ.
Trước đó, UBND huyện Côn Đảo đưa ra đề xuất đóng ép rác thành cọc và vận chuyển về đất liền để xử lý với kinh phí thực hiện từ 61 tỷ đồng, thời gian thực hiện khoảng 7 tháng. Tuy nhiên phương án này bị bác bỏ do tốn kém mà không giải quyết được lượng phát sinh hàng ngày.
Ngoài ra, cũng đã có nhiều đơn vị mong muốn được đầu tư xây dựng nhà máy rác ở Côn Đảo nhưng do gặp nhiều khó khăn nên không thể triển khai khiến lượng rác chất thành núi ở Bãi Nhát gây ô nhiễm môi trường.