Thảo luận tại tổ, nhiều ý kiến cho rằng, luật này rất quan trọng, nhất là thực tiễn cho thấy liên quan nhiều đến công tác cán bộ.
Dự thảo luật quy định đối tượng áp dụng gồm DN nhà nước (DNNN) theo quy định của Luật DN, tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (không bao gồm bảo hiểm tiền gửi và ngân hàng chính sách); cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn tại các DNNN theo quy định của Luật DN và tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tức tư nhân có thể cổ đông tới 49%, nên nếu chính sách tốt sẽ huy động được nguồn lực, nhưng nếu không tốt thì sẽ không huy động được. ĐB cũng cho rằng, cần quy định rõ vấn đề về phần vốn nhà nước, không được nhập nhằng, vì bao nhiêu người tù tội vì sự nhập nhằng này.
“Cần quy định rõ vốn Nhà nước là vốn điều lệ, tư nhân góp 49%, sau nhiều năm làm ăn tài sản tăng lên, tích lũy để lại, thì cần phân biệt rõ đó là phần vốn thuộc về ai, nhà nước hay của cả các cổ đông khác. Ví dụ, DN mang phần vốn tăng thêm đó đi đầu tư, rồi thua lỗ, thì cán bộ có thể bị quy trách nhiệm là thất thoát tài sản nhà nước, trong khi thực tế phần vốn tăng thêm đó không hoàn toàn là của nhà nước. Do đó, cần có quy định rõ cơ chế quản lý với phần vốn tăng thêm này để tạo điều kiện cho tư nhân yên tâm đầu tư”, ĐB Trương Trọng Nghĩa phát biểu.
Cũng theo ĐB, đầu tư là có lời có lỗ, nhưng chúng ta lại đưa nguyên tắc bảo toàn vốn, do đó cần quy định kỹ chỗ này, nhất là với đầu tư của phần vốn gia tăng, tích lũy. Mặt khác, một DN có thể trải qua những thăng trầm, có giai đoạn lãi, lỗ, rồi lại vực dậy, do đó khi xem xét trách nhiệm phải căn cứ nhiều yếu tố, kể cả yếu tố thị trường.
ĐB Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm, đã đầu tư là phải có lỗ, lãi, nên DN có vốn nhà nước cũng phải có sự linh hoạt, dự án này lỗ, nhưng dự án khác lãi, tổng hợp lại vẫn hiệu quả là được, nếu không chấp nhận lỗ lãi thì Nhà nước không đầu tư. Do đó, theo ĐB, dự thảo luật này vẫn chưa giải quyết, tháo gỡ được tâm lý cho các nhà đầu tư, chưa thoát khỏi tư duy cũ. Cần xác định, nếu tiêu cực, tham nhũng thì xử lý; nhưng thua lỗ do những yếu tố khách quan thì cần phải được xem xét khi xử lý để bảo đảm sự phù hợp.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cũng cho rằng, thực tế, có nhiều DNNN làm ăn thua lỗ, cho đến nay vẫn đang giải quyết hậu quả; nhiều DN có tâm lý e ngại. Do đó, dự thảo luật cần quy định rõ, giải quyết được các vấn đề hiện nay trong lĩnh vực này, làm sao để các DN tự tin sử dụng vốn. Hiện nay, nhiều DN có vốn nhà nước đang rất “tắc”.
ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng, khi nhà nước quyết định đầu tư vào DN thì đó là vốn nhà nước, nhưng về với DN thì đó là vốn DN, do đó cần có những phân cấp cho DN trong đầu tư để bảo đảm đầu tư kịp thời, nhưng phải bảo đảm cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhằm tránh tiêu cực, thất thoát. Khi thấy có dấu hiệu tiêu cực thì phải tiến hành thanh kiểm tra ngay. “Đầu tư thì phải có rủi ro, nếu do cố ý thì phải xử lý, còn rủi ro do các yếu tố khách quan thì phải chấp nhận”, ĐB Trần Hoàng Ngân nêu.
ĐB Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) cũng cho rằng, luật hiện hành đưa ra các quy định rất chặt chẽ, cũng chính điều này dẫn đến các DNNN gần như mất quyền chủ động trong việc quyết định các hoạt động sản xuất kinh doanh từ nguồn vốn DN có, từ đó kéo theo kết quả sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng.
Dù quy định chặt chẽ nhưng theo ĐB Hoàng Văn Cường, thời gian qua vẫn còn tình trạng thất thoát tài sản, nguồn vốn nhà nước đầu tư vào các DNNN, một số DNNN bị đổ vỡ, làm ăn thua lỗ. Bên cạnh đó, có sự lẫn lộn giữa quyền quản lý nhà nước, quản lý của đại diện chủ sở hữu và quản lý của DN. Đây là 3 chủ thể khác nhau nhưng lại bị lẫn lộn khiến việc quy trách nhiệm không tới, không rõ.
“Khi sự việc xảy ra mới có biện pháp xử lý nhưng việc quy trách nhiệm cũng không rõ; quy trách nhiệm thất thoát tài sản do đâu cũng chưa rõ, khó phân định rõ. Vì vậy, sửa luật lần này phải làm rõ trách nhiệm này ra”, ĐB nêu.
Mặt khác, một số trường hợp DN có vốn nhà nước, lúc kinh doanh có lãi cao khi muốn tăng vốn phải qua cơ chế xin tăng vốn. Điều này dẫn đến DNNN không năng động như các DN tư nhân.
Cùng quan điểm với ĐB Trần Hoàng Ngân, ĐB Hoàng Văn Cường cho rằng, dòng tiền của Nhà nước đi đến đâu thì có sự quản lý đến đó. Tuy nhiên, tiền vốn của nhà nước đã đầu tư vào DN thì trở thành vốn và tài sản của DN đó để DN quyết định đầu tư sản xuất kinh doanh mới đạt kết quả cao hơn. ĐB kiến nghị bổ sung quy định khi tiền vốn nhà nước trở thành tài sản của DN thì nhà nước trở thành người sở hữu cổ phần tương ứng với tỷ lệ vốn đóng góp vào, chứ không phải người sở hữu vốn.
ĐB Phạm Đức Ấn (TP Hà Nội) thì cho rằng, hiện nay, cơ chế quản lý DNNN giống như một "chiếc áo quá chật" không phù hợp với yêu cầu đổi mới và phát triển. Trong khi trước đây, các DN tư nhân khao khát có được những ưu đãi như DNNN, thì giờ đây, các DNNN lại mong muốn có cơ chế linh hoạt như DN tư nhân để cạnh tranh bình đẳng.
Một vấn đề lớn là quản lý tài sản nhà nước tại DNNN. Lịch sử đã cho thấy nhiều trường hợp thất thoát tài sản, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và xã hội. Khi nhà nước kiểm soát chặt chẽ từng hành vi của DN, điều này có thể dẫn đến sự trì trệ, giảm tính cạnh tranh và khả năng sáng tạo. Ngược lại, nếu quản lý quá lỏng lẻo, nguy cơ làm liều, làm sai vẫn có thể xảy ra.
Theo ĐB Phạm Đức Ấn, cần một cách tiếp cận mới là chuyển từ quản lý hành vi cụ thể sang đánh giá mục tiêu tổng thể. Ví dụ, một số quyết định kinh doanh có thể mắc sai lầm nhỏ nhưng nếu tổng thể DN đạt được chỉ tiêu và nhiệm vụ đề ra, thì không nên truy cứu trách nhiệm cá nhân quá mức.