Đề nghị xem xét bỏ phương thức tuyển sinh sớm bằng học bạ

Tại hội nghị giáo dục đại học 2024 do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 9-8, công tác tuyển sinh tiếp tục được nhiều trường đại học quan tâm.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn

Báo cáo của Bộ GD-ĐT cho biết, công tác tuyển sinh năm 2023 cơ bản được giữ ổn định như năm 2022 khi không thay đổi quy chế tuyển sinh; tiếp tục điều chỉnh về mặt kỹ thuật theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh và hướng tới mục tiêu đảm bảo khách quan, công bằng, bình đẳng, giúp tiết kiệm nguồn lực xã hội, đồng thời đánh giá đúng năng lực của thí sinh vào các ngành đào tạo, ngày càng minh bạch hơn về nguồn tuyển và chất lượng nguồn tuyển.

Quy trình tuyển sinh tiếp tục được cải tiến, đảm bảo tính khoa học và hiệu quả, từ việc áp dụng công nghệ thông tin đến nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ thí sinh. Các đơn vị liên quan đã nỗ lực nâng cao chất lượng tuyển sinh, từ việc tư vấn, hướng dẫn thí sinh đến việc xử lý thông tin nhanh chóng, chính xác, xử lý rủi ro cho thí sinh.

Tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2023 cao hơn năm 2022 ở tất cả các trình độ và hình thức đào tạo. Kết quả thực hiện chỉ tiêu năm 2023 cũng tăng, góp phần mở rộng quy mô đào tạo các trình độ của GDĐH.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận, việc các cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh theo nhiều phương thức cũng gây khó khăn cho thí sinh trong quá trình lựa chọn. Phương thức xét tuyển sớm và sự công bằng, khách quan giữa các phương thức xét tuyển, giữa các cơ sở đào tạo vẫn chưa hoàn toàn được khắc phục.

Tuyển sinh năm 2024 vẫn còn trường có quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp, nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, gây khó khăn cho thí sinh và hệ thống. Nhiều trường xét tuyển sớm không dự báo được thí sinh ảo.

Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ chuẩn bị tốt đề án và các điều kiện tham gia đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao, đặc biệt các lĩnh vực công nghệ then chốt như công nghệ thông tin và truyền thông, trí tuệ nhân tạo, vi mạch bán dẫn, tự động hóa, vật liệu tiên tiến, công nghệ sinh học và năng lượng xanh.

Cùng với đó, ưu tiên nâng cao chất lượng đào tạo ngành sư phạm; các trường sư phạm chủ động nâng cao các điều kiện thực hiện tổ chức đào tạo đủ nguồn giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thành công tác tuyển sinh năm 2024 theo đúng quy định; hoàn thiện các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 bảo đảm chất lượng và công bằng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và phương pháp giáo dục phổ thông. Cụ thể, sẽ hoàn thiện và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 trở đi, khắc phục triệt để vấn đề thiếu công bằng, tin cậy trong các phương thức, tiêu chí xét tuyển; bảo đảm phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đồng thời có tác động tích cực tới hoạt động dạy và học trong giáo dục phổ thông.

1.jpg
Các đại biểu dự hội nghị ngày 9-8

Tại hội nghị, ông Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) đề nghị xem xét bỏ phương thức tuyển sinh sớm, vì lúc đó học sinh chưa hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông (các trường xét tuyển sớm bằng học bạ chỉ dựa vào điểm số 5 học kỳ, không tính học kỳ 2 của năm lớp 12 - PV). Thí sinh trúng tuyển xét tuyển sớm nhưng lại không cần để nguyện vọng đầu, như thế là mất công bằng với các thí sinh khác. Do đó, để công bằng, thì cần sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, thi tốt nghiệp, sử dụng các tổ hợp xét tuyển.

Ông Phúc cũng đề nghị để tất cả thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống và chỉ lọc ảo chung 1 lần của Bộ GD-ĐT để bảo đảm công bằng với mọi thí sinh.

Về điều này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cũng cho rằng, xét tuyển sớm có mặt tích cực nhưng cũng có mặt tiêu cực là làm học sinh phân tán. “Nhiều học sinh khi biết mình đủ điều kiện đỗ sớm thì học kỳ 2 không học. Đây là đề nghị đáng quan tâm vì quan trọng nhất là phải bảo đảm công bằng với mọi thí sinh”, Thứ trưởng phản hồi.

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT cũng đề nghị Bộ GD-ĐT cần sớm công bố cụ thể kế hoạch thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh 2025, dù đó là công việc cụ thể của các trường nhưng cần công bố sớm để học sinh chuẩn bị.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng cho rằng chất lượng đào tạo mặc dù đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trình độ cao và yêu cầu phát triển kinh tế tri thức; trình độ ngoại ngữ, trong đó có trình độ tiếng Anh của lao động qua đào tạo còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Quy mô đào tạo trình độ đại học tăng nhưng tập trung ở các ngành, lĩnh vực có khả năng xã hội hóa cao như khối ngành kinh tế, tài chính hoặc khối ngành có nhu cầu nguồn nhân lực lớn, trong khi các nhóm ngành khoa học cơ bản, khoa học xã hội, văn hóa nghệ thuật, nông nghiệp... chưa có sức hút đối với người học.

Tin cùng chuyên mục