Gửi báo cáo đến Quốc hội về tình hình phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định, thời gian qua, để tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, kích thích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Nhà nước đã có nhiều đổi mới, nhiều chính sách mới thông thoáng trong chính sách thành lập doanh nghiệp, thủ tục công chứng, chứng thực khi nộp các giấy tờ pháp lý của cá nhân thành lập doanh nghiệp. Do không có cơ chế kiểm tra, không xác minh, xác thực về người đại diện theo pháp luật, thông tin về chủ sở hữu, thông tin về địa chỉ, trụ sở của doanh nghiệp nên các đối tượng buôn lậu lợi dụng quy định tạo thuận lợi này để thực hiện hành vi vi phạm, phạm tội và khi cơ quan hải quan phát hiện thì những đối tượng này bỏ trốn.
Nêu giải pháp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiên cứu, rà soát để trình Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật trong lĩnh vực hải quan và kiến nghị các bộ, ngành như: Tư pháp, Công an, Y tế, KH-CN và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, tố tụng hình sự, cũng như các văn bản chính sách mặt hàng của các bộ quản lý chuyên ngành.
Để khắc phục hiệu quả tình trạng “doanh nghiệp ma”, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, hệ thống thông tin dữ liệu quốc gia về dân cư, công nghệ thông tin phát triển đã cho phép xác thực dấu vân tay trong giải quyết thủ tục hành chính. “Bộ KH-ĐT cần áp dụng công nghệ này khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp", Bộ trưởng Bộ Tài chính đề xuất.