Sáng 3-6, Quốc hội thảo luận về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên họp.
Tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề được dựa trên 4 tiêu chí cơ bản. Đó phải là những vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân quan tâm; gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật; không trùng với các chuyên đề giám sát đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong thời gian 18 tháng tính đến thời điểm đề xuất; bảo đảm cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực và phạm vi giám sát phải phù hợp với điều kiện thực hiện của các cơ quan của Quốc hội.
Đáng lưu ý, số lượng chuyên đề giám sát để Quốc hội giám sát tối cao chỉ là 1 chuyên đề (thay vì 2 như thông lệ).
“Năm 2020 là năm các địa phương sẽ tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; đồng thời, năm 2020 cũng là năm cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, tại kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề trong cả nhiệm kỳ. Vì vậy, sau khi cân nhắc nhiều mặt, để tập trung cho các nội dung nêu trên và bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội giám sát 01 chuyên đề tại kỳ họp thứ 9”, Tổng Thư ký Quốc hội lý giải.
Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 1 trong 2 chuyên đề. Thứ nhất là việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (dự kiến giao Ủy ban Tư pháp chủ trì về nội dung). Và thứ 2 là việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên (dự kiến giao Ủy ban Đối ngoại chủ trì về nội dung).
Góp ý về chương trình giám sát năm 2020, ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) nêu ra kiến nghị giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong hoạt động báo chí.
ĐB Lê Thanh Vân nhận định, lâu nay việc giám sát hoạt động báo chí chưa được quan tâm đúng mức. Ông ghi nhận hoạt động báo chí vừa qua đã có đóng góp quan trọng vào đời sống kinh tế xã hội, công tác quản lý báo chí cơ bản cũng đảm bảo yêu cầu, nhưng thực tế vẫn có nhiều trường hợp quyền tác nghiệp của phóng viên bị xâm phạm. Theo ĐB, tại không ít nơi đã xảy ra tình trạng ngăn cản phóng viên hoạt động tác nghiệp đúng pháp luật, né tránh điều trần trước báo chí và cá biệt có nơi còn cản trở, hành hung phóng viên. Bên cạnh đó, cũng đã có tình trạng lợi dụng báo chí để tuyên truyền lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, gỡ bài với lý do không rõ ràng...
“Có thể chưa cần đến một cuộc giám sát tối cao, nhưng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc ít nhất là Ủy ban Văn hoá Giáo dục giám sát những mặt được, chưa được, thậm chí vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí”, ĐB Lê Thanh Vân phát biểu.