Đề nghị tuyên phạt cựu Tổng Giám đốc Coma 18 từ 8 năm đến 10 năm tù

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đề nghị tuyên phạt cựu Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Coma 18 Lê Huy Lân (Coma 18) mức án 8-10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Chiều ngày 9-8, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Coma 18.

Cùng bị đề nghị tuyên phạt ở tội danh như bị cáo Lê Huy Lân, bị cáo Nguyễn Xuân Phong, cựu Phó Tổng Giám đốc Coma 18 bị đề nghị 5-6 năm tù. Riêng bị cáo Lê Văn Khương, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Cơ khí xây dựng bị đề nghị 3 năm tù, nhưng cho hưởng án treo về tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo hồ sơ vụ án, đầu năm 2010, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà đô thị (HUB) ký hợp đồng kinh tế về việc chuyển giao hạ tầng lô đất cho Coma 18 để thực hiện dự án VP6 Linh Đàm. Tại hợp đồng, không nêu rõ được chuyển giao lô đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bên thứ 3 nào khác trong thời gian thực hiện hợp đồng.

Bi cao Lân.jpg
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 9-8. Ảnh: GIA KHÁNH

Ngày 25-7-2013, Coma 18 do bị cáo Lê Huy Lân là Tổng Giám đốc đã chuyển nhượng dự án trên (khi chưa đủ điều kiện chuyển nhượng) cho doanh nghiệp tư nhân Điện Biên do ông Lê Thanh Thản làm chủ doanh nghiệp, dưới hình thức ký hợp đồng hợp tác kinh doanh (nhưng thực chất là mua bán dự án).

Coma 18 sau đó có giấy ủy quyền cho doanh nghiệp của ông Lê Thanh Thản thực hiện dự án VP6 Linh Đàm. Hậu quả từ việc cố ý chuyển nhượng dự án trên khi dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng đã gây thiệt hại cho Nhà nước do không thu được tiền sử dụng đất (diện tích hơn 2.600m2) tại thời điểm tháng 7-2013 là hơn 64 tỷ đồng.

Trong vụ án, bị cáo Nguyễn Xuân Phong được giao phụ trách dự án, biết được dự án không được chuyển nhượng cho doanh nghiệp của ông Lê Thanh Thản, nhưng đã giúp sức cho bị cáo Lê Huy Lân thực hiện việc chuyển nhượng khi chưa đủ điều kiện, gây thiệt hại cho Nhà nước do không thu được tiền sử dụng đất khu đất trên.

Cùng với đó, bị cáo Lê Văn Khương được giao chỉ đạo, quản lý, giám sát các lĩnh vực chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh của tổng công ty, trong đó có dự án VP6 Linh Đàm do Coma 18 làm chủ đầu tư, đã thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, ký 2 nghị quyết đều lấy số 72 và cùng ngày 21-7-2013 (chấp thuận chuyển nhượng dự án; chấp nhận chuyển nhượng hoặc hợp tác kinh doanh) cho Coma 18 để chuyển nhượng dự án VP6 Linh Đàm cho doanh nghiệp của ông Lê Thanh Thản khi chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 64 tỷ đồng.

Trong phần luận tội, đại diện viện kiểm sát cho rằng, trong vụ án, cả 3 bị cáo đều là những người có chức vụ, quyền hạn. Trong đó, bị cáo Lân là người đưa ra chủ trương và trực tiếp chỉ đạo các hành vi. Bị cáo Phong bị cáo buộc là đồng phạm giúp sức. Bị cáo Khương bị cáo buộc quản lý không nghiêm, dẫn đến doanh nghiệp của ông Lê Thanh Thản xây dựng dự án sai quy định và bán cho khách hàng.

Trước đó, trong phần xét hỏi, khai báo tại tòa, bị cáo Lê Huy Lân trình bày bối cảnh năm 2013 khi Coma 18 được giao thực hiện dự án VP6 Linh Đàm, thị trường bất động sản khi đó "nằm đáy, vô cùng khó khăn". Với một công ty cơ khí tiềm lực ít ỏi như Coma 18, cảm thấy không thể đủ tiền thực hiện dự án.

Nhưng mặt khác nếu báo cáo thành phố, có nguy cơ bị thu hồi, đồng nghĩa với việc toàn bộ số vốn mà công ty đã đầu tư vào đó sẽ bị thu hồi. Bị cáo Lân khai, buộc ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp của ông Lê Thanh Thản là để hợp tác xây dựng dự án. Tại phiên tòa, bị cáo Lân bào chữa, do chủ quan, thiếu đôn đốc giám sát, nghĩ rằng dự án ở đó rồi thì không mất đi đâu, không ai dám làm sai.

Trong khi đó, bị cáo Lê Văn Khương cũng trình bày những khó khăn của doanh nghiệp nhà nước trong thời điểm khó khăn chung của thị trường bất động sản. Thời điểm năm 2013, khi về làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Cơ khí xây dựng, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của bị cáo được Bộ Xây dựng giao, là thoái vốn nhà nước tại các dự án ngoài ngành. Trong số này, có dự án VP6 Linh Đàm.

Theo bị cáo Khương, do quá tin tưởng cấp dưới, nên mới có sai phạm và phải hầu tòa như hôm nay.

Tin cùng chuyên mục