Ngày 18-12, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ sai phạm trong chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương chuyển sang phần tranh luận.
Mở đầu phần tranh luận, đại diện viện kiểm sát (VKS) giữ quyền công tố tại phiên tòa đã nêu quan điểm về vụ án và đề nghị mức án đối với các bị cáo.
Theo đó, Dự án đường cao tốc TPHCM – Trung Lương (giai đoạn 1) được hình thành từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xây dựng Đề án chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương (gọi tắt là Đề án) để hoàn trả ngân sách nhà nước kinh phí đã đầu tư cho dự án. Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, xuất phát từ động cơ cá nhân, bị cáo Đinh La Thăng đã gọi điện thoại cho lãnh đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (đơn vị trực thuộc Bộ GTVT, được giao tiếp nhận Đề án) giới thiệu Đinh Ngọc Hệ tiếp cận Đề án, sau đó tạo điều kiện cho công ty của bị cáo Hệ trúng đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương.
Xuyên suốt quá trình triển khai xây dựng Đề án, Quy chế bán đấu giá quyền thu phí, tổ chức bán đấu giá và quản lý việc thực hiện Hợp đồng mua bán quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương, các bị cáo Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường cùng đồng phạm ở từng cương vị, từng giai đoạn đã làm trái các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Cụ thể là quyết định cho đơn vị trúng thầu thanh toán làm 3 lần (quy định là 2 lần); xây dựng giá khởi điểm và phê duyệt giá khởi điểm để bán đấu giá khi không thành lập Hội đồng định giá tài sản; không tiến hành kiểm tra năng lực thực tế của đơn vị tham gia đấu thầu; tổ chức bán đấu giá, phê duyệt kết quả bán đấu giá là tài sản nhà nước khi chỉ có 1 người tham gia…
Đại diện VKS khẳng định, cáo trạng của Viện KSND Tối cao truy tố các bị cáo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, có căn cứ.
Đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên mức án cụ thể đối với từng bị cáo như sau:
- Đinh La Thăng (nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT) mức án từ 10-11 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
- Nguyễn Hồng Trường (nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT) từ 6-7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
- Dương Tuấn Minh (nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long) từ 5-6 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
- Dương Thị Trâm Anh (nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long) từ 5-6 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
- Nguyễn Chí Thành (nguyên Quyền Vụ trưởng Vụ tài chính, Bộ GTVT) từ 3-4 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
- Lê Trung Cường (nguyên chuyên viên Vụ Tài chính, Bộ GTVT) từ 3-4 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
- Nguyễn Thu Trang (nguyên Phó Phòng Đầu tư và quản lý đấu thầu, Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long) từ 3-4 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
- Đinh Ngọc Hệ (nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng) tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, từ 13-14 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”; hình phạt chung là tù chung thân.
- Phạm Văn Diệt (nguyên Tổng Giám đốc điều hành Công ty Đức Bình) từ 11-12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Tô Phước Hùng (nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh) từ 11-12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Vũ Thị Hoan (nguyên Giám đốc Công ty Yên Khánh) từ 7-8 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Phạm Tấn Hoàng (nguyên Phó Phòng Kế toán Công ty Yên Khánh) từ 6-7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Trần Văn Miền (nguyên Phó Giám đốc Công ty Yên Khánh, chi nhánh Long An) từ 8-9 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Nguyễn Thị Kim Huệ (nguyên Kế toán Công ty Yên Khánh) từ 6-7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Đinh Thị Chung (nguyên Kế toán Công ty Yên Khánh) từ 2-3 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Tạ Đức Minh (nguyên Thủ quỹ Công ty Yên Khánh) từ 2-3 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Lê Thị Những (nguyên Nhân viên Hành chính nhân sự Công ty Đức Bình) từ 2-3 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Ngô Bá Thắng (nguyên Giám đốc Công ty Yên Khánh, chi nhánh Long An) từ 6-7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Nguyễn Xuân Hiền (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuân Phi) từ 6-7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Hoàng Tô Hạnh Vân (nguyên Nhân viên Công ty Xuân Phi) từ 4-5 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Về trách nhiệm dân sự, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Đinh Ngọc Hệ phải bồi thường toàn bộ số tiền lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 725 tỷ đồng và số tiền trục lợi từ việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn đối với người khác hơn 3,4 tỷ đồng. Từ đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX tiếp tục duy trì kê biên, phong tỏa các tài sản của bị cáo Hệ để đảm bảo thi hành án.