Đề nghị túc trực 1 tàu SAR tại Cửa Lò để ứng phó bão

Sáng nay 10-10, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp khẩn ứng phó với bão số 7. Ban chỉ đạo Quốc gia đề nghị Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chuẩn bị sẵn 1 tàu SAR tại Cửa Lò (Nghệ An) để ứng phó với sự cố.

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, hồi 9 giờ sáng nay 10-10, tâm bão số 7 ở vào khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc - 108,2 độ Kinh Đông, cách Thái Bình – Nam Định 150km; sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10. 

Dự báo trưa 10-10, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo Tây Tây Nam, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến chiều nay 10-10, sẽ đổ bộ vào khu vực Thái Bình – Thanh Hóa với sức gió cấp 6, giật cấp 8.

Theo mô hình của EC, hồi 11 giờ trưa nay 10-10, tâm bão số 7 đã đi sâu vào vịnh Bắc bộ, ảnh hưởng tới nhiều tỉnh ở Bắc bộ

Lúc 9 giờ sáng nay 10-10, gió thực đo tại đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) đạt cấp 8, tại huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) đạt cấp 8, tại TP Móng Cái (Quảng Ninh) đạt cấp 7, khu vực ven biển từ Hải Phòng đến Thanh Hóa có gió cấp 3-4. Từ trưa đến tối nay, sẽ có thủy triều thấp đạt 2,3m tại trạm đảo Hòn Dấu (Hải Phòng).

Ngoài ra, hiện ở khu vực phía Bắc Philippines có một cơn bão có tên quốc tế là Kompasu. Dự báo khoảng đêm mai 11-10 đến sáng 12-10, bão này sẽ đi vào Bắc Biển Đông và trở thành cơn bão số 8. “Dự báo, đây là một cơn bão mạnh khi ở trên biển (cấp 10-11), di chuyển nhanh (25km/giờ) và có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Đông Bắc bộ và Bắc Trung bộ trong khoảng ngày 13 đến 14-10 và có thể gây ra một đợt mưa lớn cho các khu vực này trong các ngày 13 đến 15-10” – Tổng cục Phòng chống thiên tai thông tin. Sau đó, đến ngày 16 hoặc 17-10 sẽ xuất hiện thêm một áp thấp nhiệt đới hoặc bão khác trên Biển Đông.

Theo cập nhật đến sáng 10-10, có một tàu mang số hiệu TB 21105 TS với 9 lao động của tỉnh Thái Bình (thuyền trưởng là ông Ngô Văn Doanh, sinh năm 1970) bị chìm cách cửa sông Trà Lý 300m, làm 1 người chết. Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình đã điều 2 phương tiện cứu được 8 người còn lại.

Để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền trên biển, đến sáng nay, lực lượng biên phòng đã kiểm đếm, hướng dẫn, đảm bảo an toàn cho 61.468 phương tiện với 278.639 lao động từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa.

Tại miền Trung, mưa lũ đã làm 1 người thiệt mạng do bị lũ cuốn trôi vào ngày 8-10. Nạn nhân là bà Hồ Thị Chín, sinh năm 1956, ở xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Sáng nay 10-10 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã trực tiếp chủ trì cuộc họp khẩn để triển khai nhiệm vụ ứng phó với bão số 7 và mưa lũ sau bão (áp thấp nhiệt đới), đồng thời chuẩn bị ứng phó với bão số 8. 

Ban chỉ đạo Quốc gia yêu cầu, để đảm bảo an toàn, tránh chủ quan và điều chỉnh linh hoạt các hoạt động sản xuất cho phù hợp trong 10 ngày tới, Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia cần thông tin sớm về cơn bão, mưa lũ, xác định khu vực nguy hiểm trên biển để hướng dẫn tàu thuyền. 

Các đơn vị liên quan cần chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng tình huống bị chia cắt. Rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ chứa, khu vực khai thác khoáng sản; các trang trại chăn nuôi tập trung. Dừng các công trình đang thi công để đảm bảo an toàn về người và phương tiện.

Ban chỉ đạo Quốc gia đề nghị Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sẵn sàng lực lượng, phương tiện; nghiên cứu, điều động 1 tàu SAR thường trực tại khu vực Cửa Lò (Nghệ An) để sẵn sàng tìm cứu nạn khi có yêu cầu.

Tại các địa phương trong tâm điểm của mưa, bão, lũ, Ban chỉ đạo yêu cầu đảm bảo an toàn với dịch Covid-19 và sơ tán dân theo hướng xen ghép tại chỗ. Đặc biệt, “đảm bảo an toàn giao thông, thông tin cho người dân di chuyển từ phía Nam ra miền Bắc (về quê, đảm bảo an toàn chống dịch Covid-19) biết thông tin về tình hình mưa lũ để chủ động ứng phó; các địa phương có phương án hỗ trợ người dân ăn nghỉ và trú tránh khi có yêu cầu” – Ban chỉ đạo yêu cầu.

Tin cùng chuyên mục