Ghi nhận đề xuất thi tuyển công chức phường
Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phan Thị Thắng đánh giá cao nỗ lực của UBND quận 1 và UBND quận Bình Tân trong CCHC và thực hiện Nghị quyết 54. Theo bà Phan Thị Thắng, quận 1 là quận trung tâm, luôn đi đầu trong công tác CCHC, có nhiều kết quả ấn tượng như dịch vụ công trực tuyến phát triển rất nhanh, quận đã giải quyết hồ sơ không giấy với 6 lĩnh vực, tổ chức làm việc ngoài giờ để phục vụ người dân… Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phan Thị Thắng tin tưởng, khi hệ thống dữ liệu dùng chung càng hoàn thiện thì quận 1 càng có điều kiện CCHC tốt hơn nữa, đơn giản hóa hồ sơ hành chính…
Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phan Thị Thắng ghi nhận đề xuất của UBND quận 1 về việc tổ chức thi tuyển công chức phường, xã, thị trấn đối với cán bộ không chuyên trách dôi dư trong đợt sắp xếp theo Nghị quyết 34, để có một phần lối ra cho những cán bộ này.
Trong khi đó, quận Bình Tân là quận ven, đang đô thị hóa, phải đối diện với nhiều vấn đề thực tế phức tạp nhưng đã có nhiều cố gắng, tập trung CCHC, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho người dân làm thủ tục hành chính.
Về triển khai Nghị quyết 54, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM ghi nhận 2 địa phương thực hiện các đầu việc được TP ủy quyền rất tốt. Bà Phan Thị Thắng cho biết, HĐND TPHCM sẽ đi sâu vào đánh giá các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên 10ha, xem thực tế các dự án đã triển khai đến đâu. Trên địa bàn quận Bình Tân, quận có 2 dự án. Đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu trung tâm dân cư Tân Tạo - Khu A, hiện nay đã đền bù trên 50%, tiến độ tốt. Còn khu B, theo Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phan Thị Thắng, dự án này cần có tiến độ rõ ràng để người dân biết. Bởi, người dân ủng hộ triển khai một khu đô thị phát triển, nhưng tiến độ phải rõ ràng; nếu không triển khai thì trả lại các quyền cho người dân chứ không thể “treo” mãi dự án như mười mấy năm qua.
100% người dân làm thủ tục hành chính không giấy ở 40 thủ tục
Trước đó, báo cáo với đoàn giám sát, bà Đỗ Thị Ánh Tuyết, Trưởng Phòng Nội vụ quận 1, cho biết, từ năm 2018 – 2020, việc cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 chuyển biến tăng mạnh. Quận 1 đã triển khai 16 chương trình phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin, 32 sáng kiến, mô hình tiêu biểu, 189 công trình thi đua có hiệu quả. Đặc biệt, từ năm 2019, quận 1 đã triển khai thực hiện tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính không giấy đối với 6 lĩnh vực (kinh tế, lao động, đô thị, nội vụ, giáo dục và hộ tịch), nâng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân, doanh nghiệp và tổ chức đạt 100%. Việc này đặc biệt có ý nghĩa trong thời điểm phòng chống dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay.
Bên cạnh đó, quận tiếp tục duy trì tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích từ 7 giờ đến 19 giờ hàng ngày, các mô hình mở cửa ngoài giờ tại UBND các phường Bến Thành, Tân Định... Các phường đều có bộ phận hỗ trợ người dân sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng để “Đăng ký giải quyết thủ tục hành chính” và chụp, gửi các giấy tờ liên quan... UBND phường Cầu Kho có mã QR code thanh toán trực tuyến, trang tương tác Zalo page, người dân được cung cấp thông tin, hướng dẫn, đăng ký giao dịch tại nhà hay bất cứ nơi đâu có internet mà không phải đến trụ sở phường. Các ứng dụng nêu trên bước đầu nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân và doanh nghiệp, nhất là giới trẻ thạo về công nghệ thông tin. Đặc biệt, trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, việc thao tác nộp hồ sơ nhanh chóng, thuận lợi đã giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí, đi lại, chờ đợi; hạn chế tiếp xúc và lây lan dịch bệnh tại nơi đông người.
Giải trình vì sao tỷ lệ người dân cho ý kiến đánh giá khi đến giải quyết thủ tục hành chính còn thấp, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND quận 1 cho biết, trong năm 2019, tổng số hồ sơ quận tiếp nhận khoảng 585.000 hồ sơ nhưng có đến 90% là hồ sơ sao y chứng thực, chỉ còn khoảng 10% là các dịch vụ công khác. Đặc điểm của sao y chứng thực là có kết quả liền, người dân đến rồi về ngay, ra vào liên tục nên ít tham gia đánh giá sự hài lòng về chất lượng phục vụ của quận. Tỷ lệ hồ sơ sao y chứng thực nhiều đã tác động lớn đến kết quả ghi nhận đánh giá sự hài lòng của người dân. Năm 2019, tỷ lệ người dân tham gia đánh giá chiếm khoảng 33% lượng người đến làm hồ sơ hành chính và trong đó, có tỷ lệ hơn 99% hài lòng. Hiện nay, quận đang phát triển mạnh dịch vụ công trực tuyến, làm hồ sơ không giấy và trước khi nhận được kết quả, đều có bước chấm điểm cán bộ. Vì thế, thời gian tới, tỷ lệ người dân tham gia đánh giá sự hài lòng sẽ tăng lên.
Về thực hiện thủ tục không giấy, ông Nguyễn Văn Dũng cho biết thêm, có 40 thủ tục hành chính người dân có thể làm mà không cần bất cứ tờ giấy nào. Tỷ lệ người dân tham gia làm hồ sơ không giấy rất cao, đạt gần 100%, với hơn 9.000 hồ sơ. Thời gian tới, quận tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ để người dân tiếp cận, ứng dụng được công nghệ thông tin khi làm thủ tục hành chính và tương tác với chính quyền thuận lợi hơn. Đồng thời, quận tập trung xây dựng đô thị thông minh, đồng bộ thủ tục hành chính tại 10 phường để người dân đến bất kỳ đâu làm thủ tục cũng được phục vụ như nhau.
Hướng dẫn người dân làm thủ tục trực tuyến ngay tại khu phố
Về CCHC tại quận Bình Tân, bà Phạm Thị Ngọc Diệu, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho hay, trong 3 năm qua, quận Bình Tân đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến với 61 thủ tục trực tuyến mức độ 3 và 13 thủ tục trực tuyến mức độ 4. Nếu vào cuối năm 2016, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3 chỉ đạt 4%, thì năm 2017 đạt 27% (9.200 hồ sơ); năm 2018 đạt 51% (14.000 hồ sơ); năm 2019 đạt 55% (10.300 hồ sơ) và trực tuyến mức độ 4 đạt 59%. Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ngày càng tăng, chứng tỏ việc triển khai dịch vụ công trực tuyến của quận Bình Tân đã từng bước đạt được sự đồng thuận, lòng tin của người dân, doanh nghiệp.
Quận có mô hình Tổ Tư vấn thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại các khu phố và Bộ phận hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại UBND quận Bình Tân, 10 phường và 130 khu phố. Mô hình này đã được UBND TPHCM công nhận là mô hình sáng kiến, cách làm hay trong công tác cải cách hành chính.
Từ năm 2018 đến 6 tháng đầu năm 2020, toàn quận (quận và phường) đã tiếp nhận gần 1,5 triệu hồ sơ. Trong đó, giải quyết đúng hạn đạt 99,9%, còn 40 hồ sơ trễ hạn (0,001%). Riêng tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Bình Tân, lượng hồ sơ tiếp nhận là hơn 130.000 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 98%, vẫn còn 2.200 hồ sơ trễ hạn.
Bà Phạm Thị Ngọc Diệu cũng cho biết, tỷ lệ người dân, doanh nghiệp tải ứng dụng “Bình Tân công dân số” còn thấp; việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 dù tăng nhưng vẫn chưa cao so với thực hiện hồ sơ trực tiếp. Trong khi đó, việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua bưu điện đã tạo thuận lợi cho người dân, tiết kiệm chi phí và thời gian, công sức đi lại. Tuy nhiên, người dân lại có tâm lý e ngại, sợ mất giấy tờ gốc nên tỷ lệ nhận hồ sơ qua bưu điện chưa cao.
Thi tuyển công chức phường – giải pháp hợp tình hợp lý
Trong buổi giám sát, đại diện các quận đã trao đổi về việc giảm cán bộ không chuyên trách theo Nghị định 34/2019 về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố. Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Phạm Thị Ngọc Diệu cho hay, quận có 295 cán bộ không chuyên trách tại các phường. Theo Nghị định 34, quận sẽ phải giảm 155 người, chỉ còn 140 người. “Quận đang xây dựng kế hoạch thực hiện việc cắt giảm, nhưng rất khó khăn cho các phường. Việc giảm không chỉ liên quan đến con người, chế độ chính sách, mà còn là áp lực công việc ở địa bàn có dân số đông. Như tại phường Bình Hưng Hòa A, phường có tới cả trăm ngàn dân. Vì thế, ở các phường, cán bộ cơ sở rất đắn đo, băn khoăn”, bà Phạm Thị Ngọc Diệu cho hay.
Tại quận 1, Trưởng Phòng Nội vụ quận 1 Đỗ Thị Ánh Tuyết cho biết, thời gian qua, quận đã chủ động ngưng tuyển dụng và giảm dần cán bộ không chuyên trách. Vì thế, hiện nay số cán bộ không chuyên trách dôi dư chỉ còn 23 người, thuận lợi hơn so với các quận, huyện khác khi có số lượng dôi dư cả trăm người. Lộ trình thực hiện việc cắt giảm cán bộ không chuyên trách của quận cũng không có trở ngại. “Thực tế, anh em cán bộ cơ sở có tâm tư vì hiệu quả làm việc của cán bộ không chuyên trách là có, giờ buộc phải cắt giảm, sắp xếp lại, thì phải choàng gánh việc nhiều hơn. Còn người nghỉ, chính sách hỗ trợ của TP cho người nghỉ rất tốt, tương đương với các trường hợp tinh giản biên chế, nhưng những cán bộ không chuyên trách vẫn có nguyện vọng được tiếp tục công tác”, bà Đỗ Thị Ánh Tuyết cho biết.
Trả lời câu hỏi của đoàn giám sát về việc tổ chức thi tuyển công chức cấp phường đối với những cán bộ không chuyên trách dôi dư, Trưởng Phòng Nội vụ quận 1 cho biết, về việc thi tuyển, TP chưa ban hành quy định hướng dẫn. Thực tế, quận 1 nhiều năm qua không tuyển công chức phường nên công chức đang thiếu, trong khi lại phải sắp xếp, dôi dư cán bộ không chuyên trách. Theo bà Đỗ Thị Ánh Tuyết, tổ chức thi tuyển công chức phường là một giải pháp hợp tình hợp lý. Nếu người nào có năng lực, có trình độ, vượt qua kỳ thi trở thành công chức; người nào rớt thì nghỉ việc, thanh lý hợp đồng. “Đó là một giải pháp, nhưng TP chưa ban hành quy định nên các quận, huyện trông đợi”, Trưởng Phòng Nội vụ quận 1 nói.
Ủy quyền giúp đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ Về thực hiện Nghị quyết 54, đối với cấp quận, nội dung trọng tâm là thực hiện cơ chế ủy quyền. Quận 1 và quận Bình Tân cho biết, từ cuối năm 2018, các quận được thành phố ủy quyền 20 nội dung. Việc ủy quyền góp phần đẩy nhanh tiến độ thời gian giải quyết hồ sơ cho người dân, nâng cao chất lượng phục vụ, thực hiện tốt công tác CCHC. Riêng việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên 10ha, quận Bình Tân có 2 dự án là Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu trung tâm dân cư Tân Tạo - khu A, và khu B. Với dự án ở khu A, tổng diện tích đất thu hồi là gần 330ha, đến nay đã bồi thường được 53% (369 hồ sơ thu hồi đất). Trong khi đó, khu B vẫn đang kêu gọi đầu tư. |