Trước đó, luật sư của các bị cáo đang bỏ trốn phần lớn đề nghị cần tạm đình chỉ điều tra đối với thân chủ của mình. Tuy nhiên, VKS viện dẫn nhiều quy định của pháp luật cho thấy, việc đưa các bị cáo bỏ trốn ra xét xử là đúng pháp luật.
Cụ thể, VKS cho hay, trong vụ án, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế - AIC) là người chủ mưu, tổ chức thực hiện tội phạm.
Bị cáo Trần Mạnh Hà (Phó Tổng Giám đốc AIC) và các bị cáo bỏ trốn đều có hành vi phạm tội liên quan đến các bị cáo khác nên cơ quan tố tụng không ra quyết định tạm đình chỉ điều tra mà vẫn truy tố vắng mặt các bị cáo bỏ trốn là đúng quy định.
Trong phần tranh luận, các luật sư của 8 bị cáo bỏ trốn đề nghị gỡ bỏ lệnh truy nã. Tuy nhiên, VKS cho rằng, việc họ trốn trước hay sau thời gian khởi tố vụ án đều thuộc trường hợp bỏ trốn; các bị cáo bỏ trốn đã không thực hiện theo yêu cầu triệu tập của cơ quan công an dù yêu cầu triệu tập đã được thông báo cho người thân các bị cáo.
Đại diện VKS đã có những thay đổi trong phần đề nghị về phần dân sự. Theo đó, VKS tiếp tục đề nghị kê biên để đảm bảo thi hành án đối với các bất động sản là 6 căn hộ tại chung cư Pacific Place (số 83B phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) và 1 biệt thự (diện tích 453m2, số 21 Nguyễn Huy Tự, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) đều đứng tên bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
VKS đề nghị tiếp tục xác minh đối với số dư hơn 107 tỷ đồng của 4 tài khoản đứng tên AIC tại ngân hàng; xác minh căn biệt thự (hơn 350m2 tại số 99 phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) mà bố đẻ bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đứng tên; xác minh 2 thửa đất (hơn 4.000m2 thuộc dự án đấu giá quyền sử dụng đất phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội).