Đề nghị thực hiện Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) từ ngày 1-10

Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB) đồng ý việc áp dụng thuế suất ưu đãi 10% cho tất cả loại hình báo chí và mở rộng miễn thuế cho đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế tại phiên thảo luận sáng nay, 12-5.

Sáng nay, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

HT12a.jpg
Chủ tịch nước Lương Cường và các đại biểu dự phiên họp sáng 12-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Đồng ý mức thuế 10% cho tất cả các loại hình báo chí

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, để thể hiện sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động của các cơ quan báo chí, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật theo hướng áp dụng thống nhất mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 10% đối với tất cả các loại hình báo chí, tương tự như chính sách ưu đãi đang áp dụng cho báo in.

“Đây là bước tiến quan trọng đối với ngành báo chí Việt Nam trước những thách thức hiện nay”, ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) nhìn nhận.

THẠCH PHƯỚC BÌNH.jpg
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh). Ảnh: QUANG PHÚC

Liên quan các đối tượng không chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, cần đưa thêm các đơn vị y tế, giáo dục công lập vào đối tượng chịu thuế, trừ các đơn vị liên doanh liên kết.

Đề cập Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, các ĐB Hoàng Văn Cường, Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) nhìn nhận, nhiều nội dung liên quan doanh nghiệp tư nhân tại dự thảo luật chưa tương thích với nghị quyết.

Chẳng hạn, nghị quyết quy định doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế đưa vào quỹ phát triển khoa học công nghệ; được khấu trừ 200% chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển… Những nội dung này chưa được đề cập trong dự thảo luật.

Miễn thuế 3 năm cho nghiên cứu phát triển là quá ngắn

Về hiệu lực thực thi, các ĐB đề nghị đẩy sớm thời gian so với thông lệ, cụ thể là từ ngày 1-10-2025, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng, chứ không nên chờ đến năm 2026.

Bên cạnh đó, ĐB Nguyễn Duy Minh nhận xét, thời gian miễn thuế tối đa không quá 3 năm cho nghiên cứu phát triển là quá ngắn, chưa đủ đáp ứng yêu cầu cho lĩnh vực đầu tư, nghiên cứu phát triển. Bởi thông thường, cần tới 5-10 năm để hoàn thiện và thương mại hóa sản phẩm. Đây cũng là quan điểm của ĐB Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ).

Quy định hợp lý hơn, theo các ĐB, là miễn thuế tối đa không quá 5 năm, đồng thời mở rộng đối tượng miễn thuế với các khoản thu chuyển nhượng, góp vốn, phần vốn góp vào doanh nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp xanh và phát triển bền vững như năng lượng tái tạo, tái chế chất thải…

ĐB Nguyễn Vân Chi (Nghệ An) góp ý, các hoạt động thuần túy phục vụ công không mang tính kinh doanh thì không nên tính thuế. Tuy nhiên, với phần thu nhập đến từ hoạt động liên kết, hợp tác bên ngoài, cần quy định rõ để tránh tình trạng đánh thuế toàn phần. Theo bà, cần làm rõ khái niệm "hoạt động kinh doanh", đồng thời quy định cụ thể việc đánh thuế đối với phần thu nhập có được từ hoạt động liên kết.

LÂN HIẾU.jpeg
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Dương) phát biểu tại phiên thảo luận sáng 12-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Dương) phản ánh vướng mắc đang xảy ra do cơ quan thuế của địa phương đề nghị các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) công lập nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 2% trên số thu hoạt động dịch vụ KBCB của cơ sở y tế bao gồm cả phần thu từ bảo hiểm y tế.

“Thực tế, cơ quan thuế cứ căn cứ vào chữ “dịch vụ”, cứ cái gì có chữ này sẽ chịu thuế. Trong hệ thống y tế có khái niệm thu từ dịch vụ sự nghiệp công nên đại đa số các nguồn thu của các bệnh viện công tự chủ hiện nay đều bị đánh thuế”, ĐB Nguyễn Lân Hiếu nói.

TRAO ĐỔI 12.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trao đổi với các đại biểu tại phiên thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), sáng 12-5. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Lân Hiếu đề xuất bổ sung quy định: “Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản thu từ dịch vụ KBCB chưa tính đủ các chi phí hình thành giá (chi phí nhân công, chi phí trực tiếp, chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định, chi phí quản lý)”.

Tin cùng chuyên mục