Đề nghị thống nhất phương án đi lại giữa TPHCM với các tỉnh

UBND TPHCM vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh đề nghị xem xét, thống nhất phương án tổ chức cho người lao động di chuyển giữa TPHCM và các tỉnh.

Theo phương án, công nhân, chuyên gia do các doanh nghiệp tổ chức đưa đón từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh đến cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn TPHCM và ngược lại phải được tiêm vaccine Covid-19 (ít nhất 1 mũi đối với loại vaccine tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính (định kỳ 7 ngày/lần).

Trường hợp sử dụng xe cá nhân (ô tô, xe máy), người ngồi trên xe phải đáp ứng các điều kiện vừa nêu. Nếu tổ chức vận chuyển công nhân, chuyên gia, các đơn vị (có trụ sở ở TPHCM) xây dựng phương án vận chuyển gửi đơn vị đầu mối (Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Ban quản lý các khu công nghệ cao, UBND TP Thủ Đức và các quận huyện) đăng ký phương tiện, lộ trình, thời gian hoạt động, gửi đến Sở GTVT TPHCM để cấp giấy tạo thuận tiện cho xe di chuyển liên tỉnh.

* Ngày 2-10, các lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai đã hỗ trợ hơn 6.000 người dân, là những công nhân lao động thất nghiệp trên địa bàn do doanh nghiệp ngừng sản xuất, được về quê theo nguyện vọng. Lực lượng chức năng đã chia thành các đoàn về  miền Tây, miền Trung và Tây Nguyên, bố trí xe chuyên dụng dẫn đoàn và hỗ trợ người dân dọc đường. Cụ thể, người dân quê ở các tỉnh miền Tây được hỗ trợ đến huyện Bình Chánh, TPHCM; người dân ở các tỉnh miền Trung được hỗ trợ đến địa phận giáp ranh tỉnh Ninh Thuận; riêng người dân ở các tỉnh Tây Nguyên được xét nghiệm nhanh tại chỗ trước khi được hướng dẫn về quê.

Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, tính đến chiều tối 2-10, hơn 2.100 người dân 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận (tạm trú ở tỉnh Đồng Nai) đã được các lực lượng chức năng hỗ trợ đưa về đến quê bằng xe máy. Ngành y tế 2 tỉnh đã tổ chức test nhanh Covid-19, sau đó đưa người dân đi cách ly y tế theo quy định. 

* Cùng ngày, lãnh đạo UBND TP Thủ Dầu Một và TP Thuận An (tỉnh Bình Dương) đã vận động hàng trăm người dân, chủ yếu là công nhân có ý định về quê quay trở lại nhà trọ nghỉ ngơi, chuẩn bị đi làm trở lại. Hiện tại, nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất đã có kế hoạch làm việc trở lại nên cần rất nhiều lao động. Đối với trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, nhu cầu chính đáng, tỉnh sẽ liên hệ, phối hợp với các địa phương để có phương án đưa đón về quê. 

* Trong ngày, Đại tá Bùi Văn Thảo, Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, tỉnh đã hỗ trợ phương tiện và cử lực lượng đưa 45 người dân các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng về quê an toàn. Người dân về quê chủ yếu là lao động phổ thông không có việc làm và trước khi rời tỉnh đã được test nhanh Covid-19 với kết quả âm tính. Chính quyền yêu cầu người dân mong muốn về quê thì đăng ký với cơ quan chức năng để lập danh sách và có phương án hỗ trợ đưa về an toàn.

* Trong khi đó, ngày 2-10, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh An Giang cho biết, những ngày qua có rất nhiều người lao động, làm việc… ở các tỉnh, thành phố đã tự phát về quê An Giang bằng xe gắn máy. Trong khi ngành chức năng ở An Giang đang dồn sức khống chế các ổ dịch trên địa bàn, vì vậy tỉnh không có chủ trương tiếp nhận người dân từ các tỉnh, thành phố di chuyển tự do về địa phương. 

Tin cùng chuyên mục