Phát biểu tại thảo luận về kinh tế-xã hội tại tổ ngày 22-10, ĐB Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn lao động TPHCM cho rằng, người lao động đang rất lo lắng vì nhiều khó khăn. “Người lao động rời bỏ khu vực công, không phải chỉ đơn thuần là lương thấp, mà do áp lực công việc lớn hơn đồng lương họ nhận được, nên họ sẵn sàng rời bỏ. Những quy định chồng chéo khiến người lao động bị áp lực khi thực hiện công việc, khó để đáp ứng yêu cầu của người dân trong thực thi công vụ”, ĐB Trần Thị Diệu Thúy nêu.
Chủ tịch Liên đoàn lao động TPHCM đề nghị tăng lương sớm, tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng ngay từ 1-1-2023 thay vì 1-7-2023 vì mức độ trượt giá hiện nay đã quá cao. ĐB cũng thống nhất với ý kiến của ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) là nếu chưa đủ nguồn lực để tăng lương cho tất cả các nhóm thì cần có chính sách hỗ trợ tiền lương cho nhóm có thu nhập thấp. Mặt khác, cần tính đến việc xây dựng Luật lương tối thiểu vùng để xác định tiền lương cho từng đối tượng cụ thể hơn.
Về tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng tiền lương phải bảo đảm người lao động tái tạo sức lao động, nuôi được gia đình. Nhưng lương hiện nay không đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
“Trong khi chúng ta tăng cường kỷ luật lao động, phòng chống tham nhũng thì dẫn đến kết quả nhiều người rời bỏ khu vực công. Đó là điều mà chúng ta sẽ khó khăn khi thực hiện đột phá về vấn đề nhân lực. Tiền lương là chuyện cần phải giải quyết, nhất là đối với giáo dục, y tế. Nếu giáo dục, y tế bị ảnh hưởng thì ảnh hưởng đến định hướng XHCN”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói.
Do đó, ĐB đề nghị sớm nhất phải tăng tiền lương. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, nếu như đủ nguồn lực chưa đủ thì tăng có trọng điểm, không dàn đều, đơn cử như tăng ngay lập tức tăng lương cho những người có mức lương thấp, còn người đã có lương cao, lương hưu cao thì có thể tăng chậm hơn.
Bên cạnh đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng, lương tối thiểu cũng phải xác định lại để đảm bảo mức sống tối thiểu theo từng nơi. Như ở TPHCM, từ cắt tóc, đi xe ôm cũng tốn nhiều tiền, thì "lương 7-8 triệu đồng mỗi tháng chưa chắc đã đủ sống".