Phiên họp sáng 20-11-2023. Ảnh: QUANG PHÚC |
Điều hành phiên thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, tại kỳ họp thứ 5, lần đầu tiên Quốc hội dành ½ ngày để thảo luận tại hội trường về báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Việc này đã nhận được nhiều ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và sự quan tâm đặc biệt của cử tri cả nước, do đó, tại kỳ họp thứ 6 nội dung này đã được đưa vào chương trình kỳ họp để các ĐBQH thảo luận.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự phiên họp sáng 20-11. Ảnh: QUANG PHÚC |
Theo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các ĐBQH, đã có 2.765 kiến nghị được tổng hợp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, 2.751 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,5 %. Trong đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã trả lời 69/69 kiến nghị. Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã giải quyết và trả lời 2.591/2.605 kiến nghị. Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã giải quyết, trả lời 61/61 kiến nghị.
Thảo luận về nội dung này, các ý kiến đều đánh giá cao đây là hoạt động đổi mới của Quốc hội khóa XV, được cử tri và nhân dân đánh giá cao; cử tri mong muốn đây sẽ là hoạt động thường xuyên tại các kỳ họp Quốc hội.
Theo ĐB Nguyễn Văn Huy (Thái Bình), có những nội dung cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng chậm được giải quyết; trong đó những kiến nghị về việc hỗ trợ khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống của người dân đã được các bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm.
ĐB dẫn chứng, cử tri kiến nghị về chính sách hỗ trợ cho người và các cơ sở chăn nuôi có heo bị buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả heo châu Phi từ năm 2021 đến nay. Nhưng thời điểm hiện tại, dịch tả heo Châu Phi lại đang có nguy cơ bùng phát, ĐB cho rằng việc hỗ trợ thiệt hại cần được thực hiện kịp thời.
|
Một vấn đề khác được ĐB Nguyễn Văn Huy đề cập, đó là thực trạng thời gian gần đây, tình trạng dạy thêm trái quy định có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc cho nhân dân, tạo áp lực lớn cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học.
ĐB cho rằng, thực tế, dạy thêm là giải pháp để cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống cho giáo viên, điều đó là quyền lợi chính đáng của giáo viên, vì bác sĩ có thể mở phòng khám tư sau giờ hành chính; những ngành nghề khác cũng làm thêm ngoài giờ để tăng thu nhập. Trong khi, học sinh thì có nhu cầu học thêm. Do đó, việc học thêm nếu xuất phát điểm từ nguyện vọng chính đáng của người học thì không đáng bị lên án.
ĐB Nguyễn Văn Huy, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình |
Tuy nhiên, vấn đề mà cử tri và nhân dân mong muốn là quy định và tổ chức thực hiện việc dạy thêm học thêm như thế nào cho lành mạnh và đúng quỹ đạo để những người thầy chân chính có cơ hội cải thiện thu nhập, học sinh thì được bổ trợ và nâng cao năng lực.
Để trả lại sự trong sạch cho môi trường dạy thêm, học thêm, ĐB Nguyễn Văn Huy kiến nghị Bộ GD-ĐT cần nhanh chóng và khẩn trương sửa đổi các quy định liên quan về dạy thêm, học thêm để quản lý hiệu quả, sâu sát, thiết thực và hài hòa lợi ích của học sinh, phụ huynh và giáo viên. Bên cạnh đó, cần quan tâm siết chặt hơn chất lượng các giờ học chính khóa cũng như thay đổi tư duy thi cử và cởi trói bớt áp lực học hành. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ KH-ĐT sớm tham mưu để cơ quan có thẩm quyền quyết định đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
ĐB đề nghị những lớp học thêm tai tiếng vì "găm bài", gợi mở đề kiểm tra phải bị xử lý một cách nghiêm khắc và quyết liệt.
Đại biểu Quốc hội dự họp sáng 20-11. Ảnh: QUANG PHÚC |
ĐB Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cho rằng, thực tế vẫn còn nhiều trường hợp trả lời cử tri một cách chung chung, chưa cụ thể, chưa thiết thực, chỉ cung cấp thông tin, không đi vào cụ thể giải quyết vấn đề, không đủ sức thuyết phục, chưa thể hiện hết trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến phát sinh đơn thư khiếu kiện. Do đó, ĐB đề nghị cần khắc phục tình trạng này. Cần rà soát quy định của Chính phủ, đề cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong việc tiếp cận, xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri theo đúng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm, thời gian giải quyết, không để tình trạng kéo dài trong xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trao đổi với Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, sáng 20-11. Ảnh QUANG PHÚC |
ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cũng nêu nhiều kiến nghị của cử tri chậm được giải quyết, khiến cử tri mòn mỏi đợi chờ. Đơn cử vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ LĐTB-XH và của Bộ Y tế liên quan đến kiến nghị xem xét giảm tuổi hưởng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi từ 80 tuổi xuống 75 tuổi trên địa bàn cả nước. Đây là vấn đề cử tri quan tâm từ rất lâu và bất cứ cuộc tiếp xúc cử tri nào của đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cũng nhận được ý kiến. Bộ LĐTB-XH đã nhiều lần ghi nhận và hứa sẽ tiếp tục nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét vào thời điểm thích hợp, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy kết quả cụ thể để sửa đổi chính sách này.
ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) |
ĐB Nguyễn Hữu Thông cũng cho rằng, trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, các đơn vị thực hiện mượn hàng, vật tư y tế hóa chất sát khuẩn của các nhà cung cấp, doanh nghiệp tư nhân nhưng đến nay chưa thanh toán được do vướng các thủ tục. Mặc dù Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 99 về giám sát chuyên đề này để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhưng đến nay Bộ Y tế vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn thi hành.
Về vấn đề này, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cũng cho rằng, các khoản nợ của các bệnh viện, cơ sở y tế trong giai đoạn đại dịch Covid-19 chưa trả được không chỉ là vấn đề nổi cộm của tỉnh Bình Thuận mà còn là vấn đề của đại đa số các tỉnh, thành; không chỉ là vật tư, thuốc men mà còn cả suất ăn, đồ giặt, oxy, khí nén…
ĐB đề nghị Bộ Y tế cần ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết về một số vướng mắc các mặt hàng cụ thể hay sử dụng chống dịch, các địa phương cần hỗ trợ quyết liệt ngành y tế bằng các nghị quyết của HĐND, giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại sau đại dịch để ngành y tế yên tâm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe của nhân dân.