Ngày 1-12, nguồn tin từ Công an tỉnh Thái Bình cho biết, cơ quan điều tra tỉnh này đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị rà soát, cung cấp thông tin liên quan các văn bản kiến nghị, phiếu chuyển đơn hoặc văn bản khác do ông Lưu Bình Nhưỡng ký gửi các địa phương hoặc sở, ngành từ tháng 7-2016 trở lại đây.
Ông Lưu Bình Nhưỡng khi bị bắt |
Theo đó, nội dung văn bản đề nghị phối hợp rà soát toàn bộ các văn bản kiến nghị, phiếu chuyển đơn hoặc văn bản khác do ông Lưu Bình Nhưỡng ký với cương vị đại biểu Quốc hội hoặc Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để gửi đến UBND tỉnh, thành phố hoặc các sở ban ngành, đơn vị trực thuộc từ thời gian trên.
Trước đó, như Báo SGGP đã thông tin, ngày 14-11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Lưu Bình Nhưỡng (trú tại quận Tây Hồ, TP Hà Nội) để điều tra về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Đây là kết quả điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường (thường gọi là Cường "Quắt"), đối tượng hình sự có 3 tiền án, trú tại xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Cường "Quắt" cùng đàn em được xem là băng nhóm xã hội phức tạp ở Thái Bình. Băng nhóm này đã tham gia, thực hiện nhiều hoạt động trái pháp luật làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội.
Theo tài liệu điều tra, khi biết một số doanh nghiệp được UBND tỉnh Thái Bình cấp phép khai thác cát tại mỏ cát ven biển xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, Cường "Quắt" và đồng bọn đã tự ý xác lập quyền sử dụng trái phép các bãi triều để gây sức ép, buộc các doanh nghiệp phải trả tiền theo khối lượng cát khai thác được hoặc bán lại một phần cho Cường với giá rẻ hơn giá thị trường, chiếm đoạt của các doanh nghiệp hàng tỷ đồng.