Nhận định được nhóm nghiên cứu của Đại học Luật Hà Nội nêu ra tại cuộc tọa đàm khoa học “Pháp luật và thực thi pháp luật về hối lộ CCNN: phân tích và so sánh kinh nghiệm quốc tế và vận dụng cho Việt Nam” do UNDP tổ chức sáng nay, 28-2, tại Hà Nội.
Theo TS Đào Lệ Thu, Trưởng nhóm nghiên cứu, Bộ luật Hình sự 2015 chưa đưa ra định nghĩa cụ thể về CCNN, chưa xác định đúng và rõ về khách thể bị xâm phạm trong trường hợp phạm tội đưa hối lộ cho CCNN. Pháp luật về tương trợ tư pháp chưa điều chỉnh các nội dung liên quan đến thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án với tội phạm hối lộ CCNN.
Bên cạnh đó, tuy đã ghi nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, song Điều 76, Bộ luật Hình sự 2015 quy định về phạm vi chịu trách nhiệm lại không bao gồm tội đưa hối lộ, nói cách khác là pháp nhân thương mại Việt Nam đưa hối lộ cho CCNN hiện không phải chịu trách nhiệm hình sự. Đây là điểm khác biệt căn bản trong pháp luật Việt Nam so với pháp luật của nhóm 5 nước đối sánh, gồm: Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá các quy định của Việt Nam về hối lộ CCNN, nhóm nghiên cứu khuyến nghị hoàn thiện khung pháp lý về phòng chống hối lộ CCNN trong lần sửa đổi, bổ sung tiếp theo của Bộ luật Hình sự 2015. Trong đó, nhóm nghiên cứu cho rằng, cần nghiên cứu, cân nhắc khả năng quy định trách nhiệm hình sự cho pháp nhân đối với loại tội phạm này là hết sức cần thiết.
Trong khi chờ đợi sửa Bộ luật Hình sự 2015, cần ban hành các văn bản giải thích luật, hướng dẫn áp dụng luật; đồng thời tính đến việc phát triển án lệ về hối lộ CCNN; hoàn thiện các quy định có liên quan trong Luật Phòng chống tham nhũng 2005, như: về phòng ngừa và phát hiện tham nhũng của doanh nghiệp, khen thưởng người tố cáo tham nhũng, hợp tác quốc tế trong phòng chống tham nhũng…
Dự kiến, Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5 tới đây, sau hai lần cho ý kiến trước đó.