Chiều 12-9, trong khuôn khổ phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã trình bày báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.
Theo đó, có một số nội dung được Chính phủ và các cơ quan đề nghị bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ 8.
Đó là xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế Việt Nam (theo trình tự, thủ tục rút gọn); cho ý kiến về dự án Luật Dữ liệu.
Đặc biệt, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (để thực hiện quy định tại khoản 3.3, điều 3 của Nghị quyết số 103/2023/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024).
Cùng với 4 nội dung nêu trên, Luật sửa đổi, bổ sung một số luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng liên quan đến lĩnh vực kế hoạch đầu tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng liên quan đến lĩnh vực tài chính; Luật Đầu tư công (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác; chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB)… cũng được đề nghị bổ sung vào chương trình kỳ họp.
Trong lĩnh vực tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm cơ chế xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án hình sự.
Tuy nhiên, theo Tổng thư ký Quốc hội, đến nay, các cơ quan của Quốc hội mới nhận được tờ trình về đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đối với 4 nội dung đầu; các cơ quan của Quốc hội đang tiến hành xem xét, thẩm tra, UBTVQH chưa xem xét, cho ý kiến.
Do đó, Tổng thư ký Quốc hội đề nghị trước mắt chưa bổ sung vào chương trình kỳ họp các nội dung khác.
“Đề nghị lưu ý đối với dự án luật, dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật sau khi được UBTVQH đồng ý bổ sung vào chương trình kỳ họp thì chậm nhất là ngày 21-9-2024 phải gửi hồ sơ đến cơ quan của Quốc hội để thẩm tra, báo cáo UBTVQH; chậm nhất là 1-10-2024 phải gửi hồ sơ đến các đại biểu Quốc hội”, ông Cường nêu.
Như vậy, tại thời điểm này, dự kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét 26 nội dung thuộc công tác lập pháp; 9 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; đồng thời, có 12 nhóm nội dung được các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu.
Tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 26,5 ngày. Kỳ họp khai mạc vào ngày 21-10-2024 và dự kiến bế mạc sáng ngày 3-12-2024; tiến hành theo 2 đợt. Đợt 1 là 17 ngày, từ 21-10 đến hết ngày 12-11. Đợt 2 là 9,5 ngày, từ 20-11 đến hết buổi sáng ngày 3-12.
Trước đó, cho ý kiến tổng kết kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội khóa XV, UBTVQH đánh giá, công tác nhân sự tại kỳ họp đã được tiến hành thận trọng, chặt chẽ theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạt được sự đồng thuận, thống nhất rất cao của các vị đại biểu Quốc hội.
Tại kỳ họp, Quốc hội đã xem xét và biểu quyết thông qua 12 nghị quyết về miễn nhiệm, bầu các chức vụ: Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; bổ sung số lượng Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm, bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng; bãi nhiệm 1 đại biểu Quốc hội; đồng thời nghe báo cáo về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.