Sáng 31-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng; việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương.
Trước sự phát triển rất nhanh của TP Hải Phòng trong những năm gần đây, ĐB Trần Hoàng ngân (TPHCM) đồng tình việc phải có một mô hình phát huy được hết các tiềm năng của thành phố này và Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng là phù hợp.

Đề cập đến bộ máy khi tổ chức mô hình chính quyền đô thị, ĐB Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM) cho rằng, năng lực bộ máy là rất quan trọng để vận hành mô hình này đạt hiệu quả.
Các chính sách về nâng chất đội ngũ cán bộ công chức, tiền lương, phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm... đã và đang triển khai ở TP Hà Nội, TPHCM, TP Đà Nẵng cần được sơ kết để làm cơ sở cho TP Hải Phòng áp dụng, triển khai nhanh có hiệu quả.
Từ kinh nghiệm thực tế khi TPHCM triển khai mô hình chính quyền đô thị, ĐB Dương Ngọc Hải (TPHCM) cho rằng đã đến lúc cần có mô hình chính quyền đô thị để áp dụng cho một số tỉnh thành trong cả nước.

ĐB Trần Hoàng Ngân kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương trong đó có bổ sung nội dung tổ chức chính quyền đô thị đặc biệt.
Cùng với đó, ĐB Trần Hoàng Ngân kiến nghị xây dựng Luật Đô thị để các đô thị trực thuộc Trung ương đủ các tiêu kiện của đô thị đặc biệt thì áp dụng luôn luật này, chứ không phải xây dựng Luật Đô thị đặc biệt dành riêng cho TPHCM.
Để xây dựng Luật Đô thị, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng tham khảo các nội dung, cơ chế, chính sách từ Luật Thủ Đô và Nghị quyết 98 của Quốc hội dành cho TPHCM.

“Tôi mong muốn có Luật Đô thị hơn là có Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Bởi Luật Tổ chức chính quyền địa phương không bao quát hết các hoạt động đầu tư, quản lý đô thị, môi trường...”, ĐB Trần Hoàng Ngân bày tỏ.
Đồng tình với ĐB Trần Hoàng Ngân về việc có quy định đô thị đặc biệt, tuy nhiên ĐB Dương Ngọc Hải góp ý, xây dựng Luật Tổ chức chính quyền đô thị trong đó có quy định về đô thị đặc biệt như TP Hà Nội và TPHCM, cũng như có thêm quy định đô thị vùng biển...
ĐB Dương Ngọc Hải đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng Luật Chính quyền đô thị, và trình Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng pháp luật trong thời gian sớm nhất.

Trước bối cảnh Quốc hội chưa có Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị áp dụng cho các thành phố trực thuộc Trung ương, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) cho rằng, một số thành phố trực thuộc Trung ương chưa có nghị quyết riêng thì đang gặp khó khăn. Vì vậy, ĐB đồng tình việc Quốc hội có Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng.

Tuy nhiên, về lâu dài, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị Quốc hội nghiên cứu, sớm ban hành Luật Đô thị để phù hợp với đặc điểm của các đô thị đang phát triển rất nhanh hiện nay.
Trong luật này, ĐB cũng kiến nghị có chương quy định riêng dành cho các đô thị đặc biệt, nhằm đảm bảo cho các đô thị đặc biệt này phát huy hết các tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh, bền vững.

Theo quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn của quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, có 8 tỉnh sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đó là: Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Bình Dương, Hải Dương.
Đồng ý thành lập TP Huế - đô thị di sản
Về thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương, ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) nhấn mạnh, tỉnh Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên dẫn dắt các sự kiện quan trọng về văn hóa, di sản của đất nước. Trong đó, có nhiều hoạt động về văn hóa đầu tiên của cả nước, gắn với các sự kiện phát triển du lịch.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các sự kiện, hoạt động trên lĩnh vực này đang chậm lại, thậm chí đi sau các địa phương khác. Do đó, ĐB Trần Thị Diệu Thúy nhấn mạnh việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương trong giai đoạn này là rất cần thiết để TP Huế tăng động lực, phát huy nội lực, dẫn dắt phát triển hơn.
Điểm lại các căn cứ về lịch sử, chính trị và thực tiễn của tỉnh Thừa Thiên Huế, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đồng tình việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương, bảo đảm đáp ứng theo yêu cầu của Luật tổ chức chính quyền địa phương. Theo ĐB, việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương sẽ tạo động lực phát triển mạnh mẽ không chỉ cho TP Huế mà còn cho cả khu vực.
ĐB Văn Thị Bạch Tuyết và ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đồng tình và nhấn mạnh đến chức năng đô thị di sản. Các ĐB nhấn mạnh đến việc phát triển kinh tế - xã hội gắn chặt chẽ với việc bảo tồn, tôn tạo đô thị di sản.