Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và hiện tượng thời tiết cực đoan làm gia tăng các loại hình thiên tai như bão, lũ, mưa lớn, hạn hán, xâm mặn đe dọa nguồn nước ngọt của các sông, nước dưới đất, cơ quan của Quốc hội nhấn mạnh nghịch lý “thiếu nước mà vẫn sử dụng lãng phí”.
Theo đó, nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguồn nước sông quốc tế, ảnh hưởng lớn đến tính chủ động trong tích trữ, điều tiết nước cho các ngành kinh tế. Trong khi đó, hiệu quả sử dụng nước thấp, năng lực khai thác công trình thuỷ lợi còn chưa đáp ứng yêu cầu, thất thoát nước còn lớn (trong thủy lợi khoảng 30%, trong cấp nước sinh hoạt 25,5%).
“Bảo đảm nguồn lực để giải quyết tổng thể các nhiệm vụ về an ninh nguồn nước (ANNN) cho trước mắt và 20 – 30 năm tới thì cần phải có sự đổi mới mạnh mẽ đầu tư ngân sách nhà nước cũng như cơ chế thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trong lĩnh vực này thì mới từng bước đáp ứng các nhiệm vụ đặt ra”, ông Phan Xuân Dũng nhận định.
Về an toàn hồ đập (ATHĐ), nhiều kết cấu hạ tầng công trình thủy lợi (CTTL) bị hư hỏng, xuống cấp do được xây dựng từ nhiều năm trước đây; nhất là một số lượng lớn hồ đập vừa và nhỏ hiện hư hỏng, xuống cấp, không bảo đảm an toàn nhưng thiếu kinh phí sửa chữa, nâng cấp. Năng lực quản lý vận hành, khai thác hồ, đập vừa và nhỏ của doanh nghiệp khai thác CTTL còn hạn chế; phối hợp trong vận hành liên hồ chưa cao chưa đảm bảo hiệu quả.
Công tác quy hoạch hệ thống thủy lợi, hồ đập vẫn chưa được triển khai đồng bộ. Hiện chỉ có một số ít các tỉnh có quy hoạch hệ thống thủy lợi, hồ đập toàn tỉnh dẫn đến hiện tượng xây dựng hồ đập tự phát và không theo quy hoạch, nhiều vùng thừa, nhiều vùng thiếu nước; các quy hoạch chưa có tầm nhìn dài hạn để sẵn sàng ứng phó với tình hình phức tạp về nguồn nước trong tương lai…
Nhìn nhận an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập là vấn đề hệ trọng có tính chiến lược trong phát triển của các quốc gia, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị các cấp có thẩm quyền định hướng chỉ đạo, có giải pháp tổng thể và dành nguồn lực đủ mạnh cho vấn đề này.
Ủy ban cũng đề nghị Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về ANNN và ATHĐ tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2020) làm cơ sở cho việc thực hiện vấn đề rất quan trọng, cấp thiết này và chỉ đạo Chính phủ xây dựng lộ trình thực hiện.
Nhiều nhiệm vụ cụ thể được Ủy ban đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo tổ chức thực hiện, bao gồm bố trí nguồn lực NSNN và cân đối nguồn vốn để bố trí đầu tư, nâng cấp sửa chữa bảo đảm an toàn cho 200 hồ, đập ở 33 tỉnh đang bị hư hỏng nặng và sửa chữa 1.200 hồ chứa để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình và vùng hạ du; thúc đẩy hoàn thành đúng tiến độ các công trình thủy lợi trọng điểm đang dở dang.
Đặc biệt, cần sớm xây dựng Đề án bảo đảm ANNN và ATHĐ đập giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 trình Quốc hội xem xét sớm nhất, trên cơ sở đó xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về đảm bảo ANNN và ATHĐ, đồng thời, bố trí nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho mục tiêu này.
Về lâu dài, đề nghị rà soát, điều chỉnh các quy định về điều tiết nước các hồ chứa thủy điện, thủy lợi để bảo đảm cấp nước cho hạ du trong mùa kiệt, đồng thời, rà soát, phê duyệt điều chỉnh kịp thời theo thẩm quyền các quy trình vận hành hồ chứa công trình thủy điện đảm bảo phù hợp với quy trình vận hành liên hồ chứa…