Về EVFTA, Phó Chủ tịch nước cho biết, Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau tháng mà các Bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý tương ứng để Hiệp định này có hiệu lực. Các bên cũng có thể thỏa thuận với nhau để lựa chọn một ngày khác để đưa Hiệp định vào thực thi. Theo thủ tục nội bộ của EU, EVFTA cần được Nghị viện châu Âu phê chuẩn và sau đó được Hội đồng châu Âu phê duyệt để có hiệu lực. Hiện nay, Hiệp định đã được Nghị viện châu Âu phê chuẩn và Hội đồng châu Âu phê duyệt.
Tuy nhiên, Hiệp định có một số nội dung trái với luật của Quốc hội, căn cứ khoản 14, Điều 70 Hiến pháp năm 2013 và điểm d, khoản 1, Điều 29 Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định phê chuẩn EVFTA. Chính phủ đề xuất trình Quốc hội xem xét phê chuẩn EVFTA tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Trên cơ sở phê chuẩn của hai bên, Việt Nam và EU sẽ thống nhất về thời điểm Hiệp định chính thức có hiệu lực với cả hai bên. Do đó, kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ thống nhất với phía EU thời điểm đưa EVFTA vào thực thi vào thời điểm sớm nhất, phù hợp với quy định của Hiệp định cũng như quy định pháp luật của mỗi bên.
Đối với Anh, Chính phủ kiến nghị Quốc hội khi phê chuẩn EVFTA thì cũng đồng ý áp dụng Hiệp định này với Anh (do Anh cũng là một bên tham gia ký kết EVFTA) cho đến hết giai đoạn chuyển đổi ngày 31 tháng 12 năm 2020 (có thể gia hạn đến 24 tháng).
Là Hiệp định quy định về bảo hộ đầu tư (bao gồm đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp) và giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư, EVIPA sẽ thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương hiện hành giữa Việt Nam và các nước thành viên EU. Hiệp định EVIPA thuộc thẩm quyền phê chuẩn của Nghị viện châu Âu và Nghị viện các nước Thành viên. Hiện nay Nghị viện châu Âu đã phê chuẩn Hiệp định. Phân tích toàn diện cơ sở pháp lý, cũng như quan hệ chính trị, đối ngoại, Chính phủ đề xuất Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVIPA tại Kỳ họp thứ 9 mà không nhất thiết phải chờ toàn bộ các thành viên EU hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Báo cáo thuyết minh về các hiệp định này.
Theo ông Trần Tuấn Anh, thương mại hai chiều và đầu tư từ EU vào Việt Nam sau khi EVFTA có hiệu lực được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết công việc làm cho người lao động. Riêng thu ngân sách nhà nước có thể sẽ được cải thiện và tăng trong trung hạn và dài hạn.
Bên cạnh các tác động chung tới các khía cạnh khác nhau của nền kinh tế, Hiệp định có các tác động khác nhau đối với các ngành do mức độ mở cửa, lợi thế cạnh tranh, năng lực của từng ngành là khác nhau. Ngoài ra, tác động gián tiếp thông qua sức ép cải cách thể chế cũng sẽ mang lại những ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế.
Bên cạnh những thuận lợi, EVFTA có thể mang lại một số thách thức nhất định. Thứ nhất, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho EU, tạo ra sức ép cạnh tranh nhất định cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ của ta.
Về EVIPA, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nghĩa vụ về bảo hộ đầu tư của mỗi bên được quy định trong Hiệp định gồm 6 điểm căn bản. Đó là mỗi bên cam kết đối xử với nhà đầu tư của Bên kia không kém thuận lợi hơn nhà đầu tư của nước mình (đối xử quốc gia); không kém thuận lợi hơn nhà đầu tư của bất kỳ nước thứ ba nào khác (đối xử tối huệ quốc), trừ một số trường hợp được nêu rõ trong hiệp định.
Đáng lưu ý, các bên cam kết không trực tiếp hoặc gián tiếp quốc hữu hóa, tước quyền sở hữu của nhà đầu tư, trừ trường hợp vì mục đích công, phù hợp với thủ tục luật định, trên cơ sở không phân biệt đối xử và bồi thường thỏa đáng, đầy đủ cho nhà đầu tư. Mỗi bên cũng cam kết cho phép nhà đầu tư tự do chuyển vốn và lợi nhuận ra nước ngoài (gồm vốn góp ban đầu, lợi nhuận và thu nhập từ vốn khác, tiền bản quyền, phí hỗ trợ kỹ thuật, các khoản tiền theo hợp đồng, tiền công và thu nhập khác của người lao động nước ngoài, các khoản tiền bồi thường thiệt hại)… Cơ chế giải quyết tranh chấp trong quá trình thực thi Hiệp định, tổ chức thực thi Hiệp định; các biện pháp ngoại lệ mà mỗi Bên có thể áp dụng mà không bị coi là vi phạm Hiệp định… cũng đã được quy định rõ trong Hiệp định này với 13 phụ lục kèm theo.
Như vậy, Hiệp định đã quy định một số nguyên tắc nhằm bảo đảm để Việt Nam phát triển quan hệ với EU trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và đoàn kết dân tộc; đồng thời khẳng định quyền của Việt Nam trong việc ban hành chính sách trên lãnh thổ của mình.
Về đối ngoại, việc thực thi Hiệp định này sẽ góp phần tăng cường sự gắn kết về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU. Cùng với Hiệp định EVFTA, EVIPA sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. So với trường hợp không tham gia các Hiệp định này, GDP của Việt Nam tăng thêm lần lượt trong ngắn hạn, trung hạn (giai đoạn 2022-2024) và dài hạn (giai đoạn 2025-2030) từ 0,28% đến 0,63%/năm; 1,24% đến 2,02%/năm và từ 3,53% đến 4,37%/năm. Về việc làm, mức tăng tương ứng lần lượt là 26.000 đến 66.000; 56.000 đến 81.000 và từ 34.000 đến 43.000.
Tuy rằng những đánh giá định lượng nêu trên được thực hiện trong tháng 12-2019 nên chưa tính đến tác động của dịch Covid – 19, song về mặt định tính, trong khi dịch Covid-19 đang có tác động làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu thì Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA càng có tác động tích cực, bởi đây là thời điểm quan trọng để chúng ta thiết lập các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị mới với EU, bù đắp những thiệt hại do việc đứt gãy các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị khác.
EVIPA cũng sẽ góp phần tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút dòng vốn đầu tư đang chuyển hướng, đồng thời hạn chế việc suy giảm nguồn vốn FDI theo xu hướng chung của thế giới...