Bày tỏ quan tâm đến công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho biết, nhiều trường hợp đơn tố cáo được gửi rất nhiều ĐBQH, dẫn đến có trường hợp đã được giải quyết mà không biết. Phiếu chuyển đơn của ĐBQH đến cơ quan thẩm quyền hiện nay được ghi rất đa dạng, có khi còn ghi cụ thể cả hướng giải quyết, “dẫn đến công dân mong chờ, mà cơ quan thì đã giải quyết hết lẽ rồi”. ĐB đề nghị thống nhất đầu mối chuyển đơn ở trung ương là Ban Dân nguyện, cón ở địa phương thì gửi về Văn phòng Đoàn ĐBQH.
Chia sẻ tầm quan trọng của công tác dân nguyện, ĐB Y Khút Niê (Đắk Lắk) đề nghị nâng cấp 2 ban thuộc UBTVQH hiện nay là Ban Dân nguyện và Ban CTĐBQH thành trực thuộc Quốc hội, tương đương VPQH, vì đây là hai mảng công việc hết sức quan trọng. Với mong muốn nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, ĐB đề nghị nâng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách, đồng thời quy định rõ trong luật là mỗi địa phương có từ 1-2 ĐBQH chuyên trách; UBTVQH quy định tiêu chí của ĐBQH chuyên trách.
Đây cũng chính là băn khoăn của ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu). “Theo dự thảo thì tỷ lệ ĐBQH chuyên trách vẫn được quy định “ít nhất là 35%”. Qua tổng kết thi hành Luật thì việc tăng thêm ĐBQH chuyên trách đã tạo thuận lợi hơn trong kiện toàn bộ máy của Quốc hội, các ĐB chuyên trách đã khẳng định vai trò nòng cốt trong hoạt động của Quốc hội, nhưng chính Quốc hội khoá 14 cũng chỉ có 34,5% là ĐBQH chuyên trách”, ông nói. ĐB đề nghị làm rõ lý do không đạt được tỷ lệ ĐBQH chuyên trách để khắc phục. Cùng định hướng “giảm hợp lý số ĐBQH ở các cơ quan hành pháp, tư pháp" ĐB Tuyết cho rằng, nên quy định rõ tỷ lệ giảm tối thiểu 40% để có ngưỡng phấn đấu cụ thể.
ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đồng tình với nhận định cho rằng các ĐB kiêm nhiệm, vì nhiều lý do, không đảm bảo cả về chất lượng làm việc và thời gian. ĐB đánh giá cao một số ĐBQH kỳ cựu và đề nghị có chính sách mở hơn, nâng tuổi làm việc với ĐBQH chuyên trách để tận dụng nguồn chất xám và kinh nghiệm công tác của họ, tránh lãng phí nguồn lực…
Đề cập đến hoạt động của các kỳ họp Quốc hội, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đề nghị Quốc hội họp 4 kỳ một năm, mỗi kỳ 2 tuần để có thể giải quyết kịp thời hơn các vấn đề nóng bỏng, bức xúc của xã hội. “Như thế cũng tốt hơn cho tâm lý và sức khoẻ của các ĐBQH, giúp họ hoàn thành trọn vẹn trách nhiệm với cử tri, nhân dân, nhất là với các ĐBQH kiêm nhiệm. Có thể chia ra họp nhiều lần sẽ tốn kém hơn, nhưng chi phí đó là xứng đáng”, ĐB nhận định.