Chiều 6-9, tại hội nghị về triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội, trình bày tham luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh những tháng cuối năm 2023 và năm 2024 thuộc lĩnh vực tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, Bộ Tài chính đang khẩn trương hoàn thiện đề nghị xây dựng Nghị định về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu để báo cáo Chính phủ.
Bộ Tài chính cũng sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị bổ sung Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, soạn thảo trình tự thủ tục rút gọn để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023).
Đại biểu dự hội nghị chiều 6-9. Ảnh: QUANG PHÚC |
Đây là 1 trong 4 nhiệm vụ lập pháp mới do Bộ Tài chính đề xuất và chủ trì soạn thảo. Ba nhiệm vụ còn lại gồm: Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội xem xét và thông qua trong năm 2025-2026; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán, dự kiến trình Quốc hội xem xét và thông qua trong năm 2025-2026; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán độc lập, dự kiến trình Quốc hội xem xét và thông qua trong năm 2024-2026.
Về việc triển khai thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng nêu rõ, quá trình soạn thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc.
Ngày 16-6-2022 tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2023. Như vậy, thời gian từ khi Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 được thông qua đến thời điểm có hiệu lực là tương đối ngắn (6 tháng).
Trong khi đó, các văn bản quy định chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm đều có nội dung phức tạp, phạm vi tác động tới nhiều đối tượng, cần lấy ý kiến nhiều bộ, cơ quan có liên quan và phải xin ý kiến các cấp có thẩm quyền. Do đó, mặc dù được giao xây dựng theo quy trình, thủ tục rút gọn, nhưng Bộ Tài chính vẫn thực hiện lấy ý kiến đầy đủ các bộ, ngành có liên quan, các đối tượng chịu tác động trực tiếp và lấy ý kiến rộng rãi thông qua đăng tải dự thảo trên các Cổng thông tin điện tử Chính phủ và của Bộ Tài chính.
Về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2023 sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật để trình Chính phủ thông qua, trên cơ sở đó trình Quốc hội, UBTVQH về việc đăng ký bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành và các ủy ban của Quốc hội để nghiên cứu xây dựng Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2024).