Tiếp tục chương trình nghị sự phiên họp giữa 2 đợt họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo nghị quyết giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2023”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi ý thảo luận |
Đại diện lãnh đạo đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho biết, đoàn giám sát cho rằng, để đảm bảo nguồn lực thực hiện các chương trình, việc cho phép kéo dài vốn năm 2023 chưa giải ngân hết (bao gồm cả vốn năm 2022) sang năm 2024 là cần thiết.
“Trường hợp UBTVQH đồng ý, đoàn giám sát kiến nghị UBTVQH cho phép bổ sung nội dung này vào dự thảo nghị quyết giám sát để có cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương khi thực hiện đồng thời nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 và nghị quyết giám sát về các chương trình mục tiêu quốc gia”, ông Nguyễn Lâm Thành nêu rõ.
Quang cảnh phiên họp |
Bên cạnh đó, tại Báo cáo số 9458/BC-BKHĐT ngày 10-11-2023 của Bộ KH-ĐT, bộ có đề nghị đưa vào dự thảo nghị quyết giám sát nội dung cho phép HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định việc điều chỉnh danh mục dự án đầu tư công năm 2022-2023 trong khuôn khổ kế hoạch, vốn đầu tư đã được cấp có thẩm quyền giao năm 2022-2023; điều chỉnh dự toán chi ngân sách Nhà nước vốn sự nghiệp, giữa các nội dung, dự án, lĩnh vực chi không còn đối tượng chi, hoặc không hiệu quả sang nội dung khác trong cùng một chương trình, nhưng bảo đảm không vượt tổng dự toán giao vốn sự nghiệp hàng năm của địa phương.
Lãnh đạo Chính phủ dự họp |
Đoàn giám sát đề nghị UBTVQH chỉ đạo giao Chính phủ đưa nội dung này vào hồ sơ trình Quốc hội xem xét, quyết định cơ chế, chính sách đặc thù theo quy định tại kỳ họp gần nhất.
Qua thảo luận, UBTVQH nhất trí đề nghị Quốc hội chấp thuận bổ sung dự thảo nghị quyết về cơ chế đặc thù cho các chương trình mục tiêu quốc gia theo thể thức rút gọn vào chương trình xây dựng pháp luật, trình Quốc hội xem xét, ban hành vào kỳ họp gần nhất. Điều hành phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý: “Tinh thần là tháo gỡ tối đa các vướng mắc, nhưng không được để xảy ra xung đột pháp luật”.