Theo đó, Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội đề nghị xử phạt bị cáo Đỗ Quốc Hùng (cựu Giám đốc BIDV chi nhánh Thành Đô) 8-9 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Cùng tội danh, Viện Kiểm sát đề nghị xử phạt bị cáo Lưu Thị Bích Thủy (cựu Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Thành Đô) mức án 7-8 năm tù; bị cáo Nguyễn Văn Hà (Trưởng Phòng Khách hàng doanh nghiệp BIDV chi nhánh Thành Đô) 5-6 năm tù; bị cáo Lại Minh Ngọc (Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Thành Đô) và bị cáo Phạm Anh Tài (cựu Trưởng Phòng Tín dụng BIDV chi nhánh Thành Đô) mức án 3 năm 6 tháng đến 4 năm 6 tháng tù; bị cáo Lê Vũ Thanh (cựu cán bộ BIDV) và bị cáo Đỗ Xuân Khoan (Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Tây Nam Quảng Ninh) mức án 30-36 tháng tù, cho hưởng án treo, hạn thử thách 60 tháng.
Đại diện Viện Kiểm sát đọc bản luận tội. Ảnh: GIA KHÁNH |
Viện Kiểm sát đề nghị Công ty Kenmark (Kenmark) và các bị cáo Đỗ Quốc Hùng, Lưu Thị Bích Thủy, Nguyễn Văn Hà, Phạm Anh Tài, Lại Minh Ngọc, Lê Vũ Thanh, Đỗ Xuân Khoan và ông Bùi Văn Bốn (cựu Giám đốc BIDV chi nhánh Bắc Kạn) phải liên đới bồi thường, khắc phục hậu quả cho BIDV số tiền dư nợ gốc đến nay hơn 178 tỷ đồng.
Trong vụ án, Viện Kiểm sát cho rằng, bị cáo Đỗ Quốc Hùng khi kiểm tra lại kết quả thẩm định của tổ thẩm định chung, đã thấy Kenmark và chủ sở hữu Cheermaster có năng lực tài chính không rõ ràng, chưa có kinh nghiệm thực hiện dự án tại Việt Nam; bên bảo lãnh cũng không có tài sản đảm bảo khoản vay 68 triệu USD. Dự án mà Kenmark thực hiện không khả thi, không đảm bảo các điều kiện vay theo quy định của BIDV, nhưng bị cáo Hùng vẫn ký văn bản đề nghị trụ sở chính BIDV phê duyệt cho vay, đồng thời không chỉ đạo thực hiện việc giải ngân 2 bước theo đúng chỉ đạo của hội sở.
Các bị cáo nghe bản luận tội. Ảnh: GIA KHÁNH |
Trong khi đó, Viện Kiểm sát cũng cho rằng, các bị cáo ở tổ thẩm định, khi thẩm định hồ sơ chỉ căn cứ vào hồ sơ, chứng từ do Kenmark cung cấp để đánh giá năng lực tài chính, mà không kiểm tra rõ tình hình tài chính của khách hàng cũng như đơn vị bảo lãnh; không chú trọng đánh giá các thông tin, chỉ số rủi ro do Ngân hàng Nhà nước cung cấp… nên đã cùng nhau thống nhất đánh giá dự án khả thi và ký báo cáo thẩm định chung đề xuất cho Kenmark vay vốn.
Quá trình giải ngân, các bị cáo cũng không lưu ý đến chỉ đạo của hội sở BIDV về giải ngân 2 bước nên đã thực hiện giải ngân cho Kenmark vay và để lại hậu quả như cáo trạng quy kết.
Trước đó, cáo trạng được Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội công bố tại tòa cho thấy, trong thời gian từ 4-12-2007 đến 18-5-2010, tổ thẩm định dự án Việt Hòa - Kenmark gồm các cá nhân tại BIDV chi nhánh Thành Đô và Tây Nam Quảng Ninh thực hiện thẩm định hồ sơ đề nghị vay vốn của Kenmark đã đánh giá không đúng về các yếu tố rủi ro, đề xuất cho Kenmark vay vốn. Mặc dù hồ sơ không đạt yêu cầu nhưng tổ thẩm định vẫn báo cáo kết quả đáp ứng được các điều kiện cho vay, dẫn đến quyết cho Kenmark vay hơn 52 triệu USD và hơn 57 tỷ đồng trái quy định. Đến nay, số tiền Kenmark còn dư nợ không thu hồi được tại các chi nhánh của BIDV là hơn 7,8 triệu USD (tương đương hơn 181 tỷ đồng).
Trong vụ án này, bị cáo Đỗ Quốc Hùng bị cáo buộc biết Kenmark và chủ sở hữu là Cheermaster có năng lực tài chính không rõ ràng, chưa có kinh nghiệm thực hiện dự án tại Việt Nam nhưng vẫn ký văn bản đề nghị trụ sở chính BIDV phê duyệt cho vay 68 triệu USD, bị cáo Hùng cũng là người tham gia phê duyệt giải ngân hơn 12 triệu USD cho Kenmark.