Đề nghị người có bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm được dùng giấy chuyển tuyến 1 lần

Chiều 31-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).

1.jpg
Chủ tịch nước Lương Cường trao đổi với các đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM tại phiên họp chiều 31-10. Ảnh: QUANG PHÚC

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, nhiều ý kiến thảo luận tại tổ và dư luận ủng hộ việc thiết lập cơ chế có tính đột phá để người dân, nhất là người mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh sử dụng kỹ thuật cao không còn lệ thuộc vào thủ tục chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, mà có thể đến bất cứ cơ sở khám, chữa bệnh nào theo nguyện vọng của mình.

Đây cũng là trăn trở lớn nhất của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của các đồng chí lãnh đạo Chính phủ.

Từ đó, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã phối hợp để thiết kế quy định này.

Các đại biểu dự phiên họp chiều 31-10. Ảnh QUANG PHÚC.jpg
Các đại biểu dự phiên họp chiều 31-10. Ảnh: QUANG PHÚC

Thảo luận về dự án luật, ĐB Mai Văn Hải (Thanh Hóa) đề nghị cân nhắc quy định đăng ký và khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu ở cấp chuyên sâu đăng ký và khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu.

“Chỉ nên quy định đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu ở cấp khám, chữa bệnh ban đầu và cơ bản; ở cấp chuyên sâu chỉ nên quy định khám, chữa bệnh ban đầu cho một số nhóm đối tượng ưu tiên chăm sóc, bảo vệ sức khỏe”, ĐB Mai Văn Hải nêu.

Về chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, ĐB Mai Văn Hải đề nghị, vẫn quy định có thủ tục chuyển viện, nhưng phải tạo điều kiện thuận lợi và nhanh chóng cho người bệnh khi phải chuyển tuyến.

Về thanh toán khám, chữa bệnh BHYT, ĐB đề nghị cần quy định cụ thể hơn về việc chuyển thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế giữa các cơ sở khám, chữa bệnh, để tạo điều kiện thuận lợi và kịp thời cho người bệnh.

ĐB Trần Chí Cường (Đà Nẵng) cho rằng, dù dự thảo luật có bổ sung thêm quy định về thanh toán trong trường hợp điều chỉnh giữa các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT và chi phí dịch vụ cận lâm sàng, nhưng việc bệnh nhân khám, chữa bệnh BHYT phải mua thuốc và vật tư y tế bên ngoài, khi bệnh viện không có thì sẽ được thanh toán như thế nào vẫn đang là vấn đề thực tế được rất nhiều cử tri quan tâm hiện nay.

Đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng).jpg
Đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB cho rằng, cần nghiên cứu, bổ sung thêm một khoản quy định về nội dung thanh toán cho bệnh nhân BHYT phải mua thuốc và vật tư y tế bên ngoài, khi cơ sở khám, chữa bệnh không có thuốc và vật tư y tế để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân.

Dù dự thảo luật lần này cũng đã bổ sung nhiều quy định tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh khi đi khám, chữa bệnh BHYT, đặc biệt là chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT, giảm bớt thủ tục hành chính và tăng cường tiếp cận dịch vụ. Nhưng, theo ĐB Trần Chí Cường, vẫn cần quy định cụ thể lộ trình liên thông và công nhận kết quả cận lâm sàng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chậm nhất trước ngày 1-1-2026. Điều này sẽ góp phần tiết kiệm cho quỹ BHYT và ngân sách tài chính của các gia đình có người thân đi khám, chữa bệnh.

ĐB Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng, cơ chế thông tuyến cho phép người bệnh đến khám chữa bệnh ở cơ sở khác không cần giấy chuyển tuyến, mặc dù điều này nghe có vẻ hỗ trợ cho người tham gia BHYT tiếp cận dịch vụ thuận lợi hơn; nhưng có thể sẽ bỏ qua cơ hội phát hiện sớm một số triệu chứng bệnh do người bệnh đã bỏ qua chăm sóc sức khỏe ban đầu để lên khám, chữa bệnh tại tuyến cao hơn, kể cả trong trường hợp không cần thiết.

Điều này sẽ dẫn đến giảm hiệu suất; thậm chí phá vỡ phân cấp chuyên môn của hệ thống y tế.

Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình).jpg
Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình). Ảnh: QUANG PHÚC

Các số liệu thống kê cho thấy, xu hướng người bệnh dịch chuyển sang tuyến huyện và tỉnh ngay từ năm đầu tiên thực hiện thông tuyến (tỷ lệ lượt khám chữa bệnh tuyến huyện từ 43,3% ở năm 2015 đã tăng lên trên 60% vào năm 2023. Trong khi đó, tuyến xã giảm từ 27,6% năm 2015 xuống còn khoảng 13,7% năm 2023; năm 2021 thông tuyến tỉnh đối với dịch vụ khám chữa bệnh nội trú, tỷ lệ lượt khám chữa bệnh thông tuyến nội trú tại tuyến tỉnh đã tăng từ 30,5% năm 2021 lên trên 40% năm 2023 nhưng chi phí sẽ tăng lên).

Do đó, ĐB cho rằng, nếu quy định như dự thảo luật, hệ thống y tế cơ sở sẽ dần bị suy yếu, thậm chí sẽ đứt gãy và các mục tiêu có nguy cơ không đạt được; gây lãng phí nguồn lực và công sức đã đầu tư cho y tế cơ sở trong suốt thời gian qua.

Theo ĐB, nguyên nhân bức xúc của người bệnh đi khám chữa bệnh BHYT vì khó khăn trong quá trình xin giấy chuyển tuyến của nhóm đối tượng bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo hoặc danh mục thuốc tại y tế cơ sở ít và nghèo nàn hơn so với tuyến trên trong khi điều trị cùng 1 bệnh.

ĐB cho rằng, bản chất quy định chuyển tuyến có ý nghĩa quan trọng, cần thiết trong việc xử lý khám chữa bệnh cho người dân; giấy chuyển tuyến ngoài cung cấp các thông tin hành chính còn cung cấp tình trạng bệnh, lịch sử điều trị, giúp cơ sở tiếp nhận có thông tin kịp thời về người bệnh để tiếp nhận, chăm sóc, điều trị được nhanh chóng, thuận tiện.

Các đại biểu dự phiên họp chiều 31-10. Ảnh QUANG PHÚC.jpg
Các đại biểu dự phiên họp chiều 31-10. Ảnh QUANG PHÚC

Chính vì vậy, ĐB Trần Khánh Thu đề nghị, giữ nguyên phạm vi hưởng như lộ trình thông tuyến khám chữa bệnh BHYT hiện nay nhưng điều chỉnh bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành định nghĩa bệnh hiếm và danh mục bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm được sử dụng giấy chuyển tuyến 1 lần dùng trọn quá trình điều trị chứ không phải có thời hạn trong năm tài chính như hiện nay.

Cùng với đó, tiếp tục tăng cường củng cố năng lực cho hệ thống y tế cơ sở, để có thể thực hiện cấp thuốc điều trị ngoại trú cho một số bệnh mãn tính đồng nhất trên các cấp chuyên môn các cơ sở y tế; tăng cường các quy định giải quyết triệt để các bức xúc trong quá trình cấp giấy chuyển tuyến.

Tin cùng chuyên mục