Từ thực tiễn quản lý ngành, ĐB Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, Công an TP Hà Nội đang phải quản lý số lượng vật chứng, tài sản rất lớn, có những loại tồn đọng nhiều năm nay. “Tình trạng này gây ra lãng phí vô cùng lớn. Trước hết là lãng phí chính tài sản, vì để lâu bị mất giá trị. Thứ 2, là phải xây dựng, vận hành hệ thống kho vật chứng. Thứ 3, phải có người trông coi. Mới đây, chúng tôi tiếp nhận mấy chục tấn đất hiếm là tang vật vụ án, không biết làm thế nào để không làm mất giá trị chứng minh, không thất thoát. Thế là phải xây cả một cái nhà tạm để giữ”, ĐB bức xúc.
Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Hải Trung, phạm vi điều chỉnh của dự thảo nghị quyết lại quá hẹp, chỉ áp dụng cho một số vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực chỉ đạo. “Thí điểm hẹp như thế này thì không thể nhanh chóng tháo gỡ điểm nghẽn, cũng không đủ sở cứ để sau này nâng lên thành luật. Cần mở rộng phạm vi điều chỉnh và rút ngắn thời gian thí điểm”, ĐB Nguyễn Hải Trung nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Hữu Chính băn khoăn về quy định phải gửi tiền vào ngân hàng thương mại mà Nhà nước sở hữu 50% trở lên. “Tại sao phải như thế? Các ngân hàng thương mại đều được hoạt động bình đẳng và gửi vào ngân hàng nào thì do cơ quan điều tra lựa chọn”.
Về quy định nộp đủ tiền đảm bảo thì hủy bỏ biện pháp tạm giữ, phong tỏa, kê biên tài sản, nhưng chỉ giao lại cho chủ sở hữu để khai thác, quản lý mà không được định đoạt (mua bán, chuyển nhượng…), ĐB Nguyễn Hữu Chính nêu vấn đề: “Khi đã nộp đủ tiền nộp tương đương để thay thế tài sản kê biên rồi thì sao còn phải hạn chế mà không mở hẳn cho chủ sở hữu tài sản định đoạt tài sản của mình? Bên cạnh đó, khi hủy bỏ các biện pháp phong tỏa, kê biên vẫn lại giao cho tòa án xem xét, ra quyết định; như thế vẫn sẽ rất lâu, rất vướng”.
Các ĐB Nguyễn Anh Trí, Phạm Đức Ấn đều tán thành quan điểm này và nêu nhiều ví dụ cụ thể, thuyết phục. ĐB Phạm Đức Ấn dẫn vụ việc giữa Agribank với Công ty Nông thủy sản Tây Nam. “Công ty này có tài sản đảm bảo, nếu cho xử lý sớm thì Agribank đã có thể thu hồi được nợ. Trong khi đó, do vụ việc kéo dài nhiều năm, đến nay lãi vay cũng đã lên tới hơn 300 tỷ đồng, tài sản thì hư hỏng, mất giá”.
Về xử lý tiền gửi, ĐB Phạm Đức Ấn “hiến kế” nên gửi vào ngân hàng thương mại với kỳ hạn 3 tháng để nhanh chóng đưa vào quay vòng, sản xuất kinh doanh, thay vì để “đóng băng trong kho bạc”. “Sau đó, nếu giải quyết án nhanh thì chuyển thành lãi vay không kỳ hạn cũng vẫn hiệu quả kinh tế hơn nhiều”, ĐB Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank nói.