Về mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước, đa số ý kiến tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc phạm vi mở rộng thận trọng để bảo đảm tính khả thi.
Một số ý kiến đề nghị rà soát để bảo đảm dự thảo Luật bao quát hết được doanh nghiệp trong các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng. Có ý kiến tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước, nhưng đề nghị chỉ áp dụng khi các doanh nghiệp này có liên quan đến tài sản, vốn nhà nước như tham gia các dự án có vốn đầu tư nhà nước.
Đáng lưu ý, cũng có ý kiến đề nghị mở rộng áp dụng Luật đối với cả các tổ chức tôn giáo vì đây cũng là các tổ chức có huy động sự đóng góp của nhân dân.
Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập (Điều 32) cũng là nội dung có nhiều ý kiến đóng góp. Trong đó, nhiều ý kiến tán thành với phương án 2 của dự thảo Luật (cũng là phương án được cơ quan thẩm tra đề nghị, theo đó, giao cho Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương. Còn lại, tuỳ đơn vị công tác của người có nghĩa vụ kê khai sẽ có các đầu mối khác nhau chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến tán thành với phương án 1 của dự thảo Luật (Thanh tra Chính phủ là đầu mối duy nhất) để bảo đảm thẩm quyền kiểm soát được tập trung, khách quan; một số ý kiến khác đề nghị thành lập cơ quan chuyên trách, độc lập; ý kiến khác nữa lại đề nghị giao cho cơ quan thuộc Quốc hội kiểm soát để bảo đảm tính độc lập toàn diện…
Về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc (Điều 59), đa số ý kiến tán thành với việc cần có quy định để xử lý đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành, nếu chứng minh tài sản này có nguồn gốc từ hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật thì nhà nước thu hồi; nếu không chứng minh được thì là quyền sở hữu công dân để bảo đảm phù hợp với quy định về quyền sở hữu tài sản, thu nhập của Hiến pháp.
Đặc biệt, về hình thức xử lý và mức xử lý vẫn còn có rất nhiều loại ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến tán thành với phương án 1 của dự thảo Luật (xem box). Song cũng có một số ý kiến tán thành với phương án 2. Một số ý kiến tán thành với phương án 2 nhưng cho rằng trình tự, thủ tục phải thông qua tố tụng hành chính tư pháp. Có ý kiến đề nghị quy định đồng thời cả biện pháp xử lý hình sự và xử lý hành chính để bảo đảm tính kế tiếp trong xử lý hành vi vi phạm như các quy định của Bộ luật Hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện nay…
Một số ý kiến đề nghị quy định mức thuế phù hợp với Luật Thuế thu nhập cá nhân để bảo đảm sự bình đẳng với những người có nghĩa vụ nộp thuế khác; ý kiến khác đề nghị cân nhắc có mức thuế hợp lý, phù hợp với thực tiễn và việc lựa chọn mức thuế suất phải được đánh giá tác động, giải trình có căn cứ.
Theo hướng nghiêm khắc hơn nữa, có ý kiến đề nghị tăng mức phạt lên thành 75%; thậm chí có ý kiến đề nghị quy định thu hồi toàn bộ tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Có ý kiến đề nghị đối với tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý thì tạm giữ cho đến khi các cơ quan chức năng điều tra, nếu chứng minh được tài sản này hợp pháp thì trả lại; nếu do vi phạm pháp luật, phạm tội mà có thì thu hồi theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Bên cạnh đó, nhiều vị ĐBQH đề nghị giải thích rõ quy định “không giải trình được một cách hợp lý”, “giải trình hợp lý” trong Điều này và các điều khác của dự thảo Luật như Điều 45, 49… để tránh lạm dụng trong thực hiện. Cũng có ý kiến đề nghị có những quy định để bảo đảm sau khi Luật này có hiệu lực, người có chức vụ, quyền hạn không thể khai khống tài sản, thu nhập để lách luật.
Trong số các hành vi tham nhũng, có ý kiến đề nghị bổ sung thêm hành vi tham nhũng chính sách. Có ý kiến đề nghị quy định hành vi chạy chức, chạy quyền cũng là hành vi tham nhũng.
Có ý kiến cho rằng, 12 hành vi của dự thảo Luật mới chỉ đề cập trong khu vực nhà nước mà chưa đề cập đến các hành vi tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước. Do đó, đề nghị rà soát để quy định bổ sung các hành vi tham nhũng khu vực ngoài nhà nước như đưa hối lộ để gian lận thương mại, đưa hối lộ để giành lợi thế kinh doanh; có ý kiến đề nghị bổ sung hành vi không giải quyết hoặc chậm giải quyết công việc vì vụ lợi.…
Điều 59, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) quy định về xử lý tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý theo hai phương án:
Phương án 1: Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan thuế thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, dự thảo Luật sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định mức thuế suất 45% đối với thu nhập chịu thuế do vi phạm quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Phương án 2: Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.