Theo đó, xuất phát yêu cầu từ thực tiễn, dự thảo luật bổ sung quy định miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển và giao Chính phủ quyết định khu kinh tế ven biển được miễn thị thực nếu đáp ứng đủ các điều kiện: có không gian riêng biệt, có ranh giới địa lý xác định, được cách biệt với lãnh thổ bên ngoài; có sân bay quốc tế; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
Quy định trên nhằm luật hóa việc tiếp tục áp dụng miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài nhập cảnh đảo Phú Quốc, đồng thời có cơ sở pháp lý để nghiên cứu áp dụng đối với các khu kinh tế ven biển có điều kiện tương tự. Dự thảo cũng bỏ quy định người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày để tiếp tục tạo điều kiện cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để du lịch theo diện đơn phương miễn thị thực, sau đó sang nước thứ ba rồi quay lại Việt Nam tiếp tục du lịch.
Dự thảo luật cũng bổ sung quy định cấp thị thực theo danh sách kiểm tra nhân sự, xét duyệt nhân sự của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an đối với khách du lịch tàu biển và thành viên tàu quân sự nước ngoài đi theo chương trình hoạt động chính thức của chuyến thăm ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tàu thuyền neo đậu, để tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài và công tác kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu cảng biển quốc tế.
Quy định các trường hợp được chuyển đổi mục đích thị thực, cụ thể: có giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con với người đề nghị; người nước ngoài được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc hoặc vào bằng thị thực điện tử có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Quy định trên để tạo điều kiện cho các trường hợp chính đáng như: người nước ngoài nhập cảnh do cơ quan, tổ chức mời bảo lãnh để vào làm việc, sau đó được cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép lao động… thì không phải xuất cảnh, mà cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bảo lãnh có thể làm thủ tục xin cấp thị thực mới theo đúng mục đích nhập cảnh...
Dự thảo cũng sửa đổi quy định về ký hiệu, thời hạn của thị thực, thẻ tạm trú cấp cho nhà đầu tư nước ngoài theo hướng nâng thời hạn tối đa của thẻ tạm trú lên đến 10 năm để khuyến khích nhà đầu tư chiến lược hoặc đầu tư vào lĩnh vực, địa bàn được ưu tiên (theo quyết định của Chính phủ). Quy định trên phù hợp với chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc theo tinh thần của Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, đồng thời khắc phục tình trạng lợi dụng góp số vốn nhỏ để hợp thực hóa việc ở lại Việt Nam lâu dài.
Đồng thời, dự thảo quy định việc cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu bằng thời hạn thị thực nhằm đơn giản hóa thủ tục tại cửa khẩu. Riêng thị thực du lịch có thời hạn trên 30 ngày thì cấp tạm trú 30 ngày để hạn chế tình trạng người nước ngoài lợi dụng sự thông thoáng của việc cấp thị thực du lịch (đến 3 tháng) vào Việt Nam hoạt động vi phạm pháp luật (tội phạm công nghệ cao, lao động không phép, kinh doanh du lịch trái phép…); đồng thời phù hợp với thời gian theo chương trình du lịch tại Việt Nam, thường không quá 15 ngày.
Dự thảo giao Chính phủ quy định việc người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cấp chứng nhận tạm trú qua cổng kiểm soát tự động; người nước ngoài được miễn thị thực vào khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt hoặc khu kinh tế ven biển có nhu cầu đến các địa điểm khác của Việt Nam và việc cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhưng chưa có hiện diện thương mại hoặc đối tác tại Việt Nam.