Ngày 9-9, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến năm 2023” làm việc với Chính phủ. Chủ trì cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương quyết định rút ngắn cuộc họp so với dự kiến để các cơ quan có thêm thời gian tập trung khắc phục hậu quả bão lũ.
Thay mặt lãnh đạo Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá rất cao sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong khắc phục hậu quả bão lũ. Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các địa phương hoãn các cuộc họp để tập trung khắc phục hậu quả thiên tai và bão lũ vừa qua. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo các đoàn công tác đến các địa phương khắc phục hậu quả bão lũ. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu nắm tình hình, đi thăm hỏi các vùng thiệt hại, tuy nhiên, phải trên tinh thần hết sức gọn nhẹ, không làm phiền đến địa phương.
Trình bày báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, trong giai đoạn trên, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tai nạn giao thông trên các lĩnh vực tiếp tục được kiềm chế và giảm qua các năm.
Tuy vậy, một số quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động vận tải liên tục được sửa đổi, bổ sung, nhưng vẫn không theo kịp xu thế phát triển của xã hội; vẫn còn thiếu cơ chế chính sách mang tính đột phá để huy động nguồn lực cho đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông.
Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông của một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, chưa phân định rõ trách nhiệm, chưa chủ động phát hiện và xử lý nghiêm khắc các tập thể, cá nhân vi phạm để răn đe, phòng ngừa sai phạm, tiêu cực trong quản lý nhà nước về giao thông. Công tác tuyên truyền chưa đủ mạnh, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe nên một bộ phận người dân “nhờn luật” khi tham gia giao thông. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai chiến lược, quy hoạch, dự án đầu tư chưa thực sự chặt chẽ…
Tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn giám sát đề nghị Chính phủ làm rõ sự mất cân đối trong phát triển các loại hình giao thông: đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không. Chính phủ cũng cần có giải pháp riêng cho từng loại hình giao thông; chú trọng nội dung và phương pháp giáo dục bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại trường học, xây dựng cho thế hệ trẻ ý thức tham gia giao thông văn minh, lịch sự…
Trên cơ sở kết quả cuộc làm việc, đoàn giám sát tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết giám sát và dự thảo nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào cuối tháng này.