Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa có báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 43 (khai mạc ngày 23-3).
Theo báo cáo, liên quan đến quyền của cổ đông phổ thông (Điều 114 của dự thảo Luật), Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc quy định cổ đông có tỷ lệ sở hữu cổ phần phổ thông thấp hơn được thực hiện các quyền là nhằm bảo vệ quyền của cổ đông thiểu số và nhóm cổ đông trong doanh nghiệp. Đây là nội dung quan trọng của quy định về khung quản trị doanh nghiệp.
Để phù hợp và thống nhất với khái niệm cổ đông lớn quy định trong Luật Chứng khoán đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, mức tỷ lệ sở hữu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông để thực hiện một số quyền của cổ đông phổ thông được quy định ở mức 5%. Mức này được coi là bảo đảm vừa hài hòa quyền, lợi ích hợp lý của các cổ đông thiểu số, nhóm cổ đông trong doanh nghiệp, vừa tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phù hợp với thực trạng quản trị và bối cảnh của nước ta.
Về chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty không đại chúng, Thường trực Ủy ban Kinh tế kiến nghị tiếp thu, chỉnh lý nội dung này theo hướng bổ sung các quy định về chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty không đại chúng trong dự thảo Luật. Trái phiếu riêng lẻ được phát hành và chuyển nhượng đối với các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trừ trường hợp thực hiện theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài hoặc thừa kế theo quy định pháp luật.
“Điều kiện chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty không đại chúng cơ bản tương đồng điều kiện đối với công ty đại chúng; tuy nhiên có một số quy định đặc thù về điều kiện để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp dự án PPP, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo huy động vốn”, báo cáo nêu rõ.
Đáng lưu ý, liên quan đến đối tượng hộ kinh doanh trong dự thảo Luật Doanh nghiệp, hiện có 2 loại ý kiến khác nhau. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị tách nội dung về hộ kinh doanh để quy định thành luật riêng. Một lý do quan trọng là xét về bản chất, hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh, nên quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh cần phải được điều chỉnh bởi luật, chứ không thể quy định bằng nghị định.
Bên cạnh đó, hộ kinh doanh được coi là một hình thức kinh doanh khác biệt với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH và công ty cổ phần. Những quy định về hộ kinh doanh tại dự thảo luật chỉ mới giải quyết được việc kiểm soát, quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh, mặt khác có thể làm tăng rủi ro, tăng chi phí đối với thành lập và hoạt động của hộ kinh doanh; bên cạnh đó lại chưa có quy định tạo thêm quyền tự do kinh doanh, tăng độ an toàn kinh doanh, tạo thêm thuận lợi cho hộ kinh doanh.