Bất cập bậc thang tính giá điện
Đồng tình với giải trình về lý do tăng giá điện của Chính phủ, song ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, cách chia biểu giá điện thành 6 bậc thang hiện nay chưa hợp lý và phải sửa. Hiện Nhật Bản chỉ có 3 bậc thang giá điện, Thái Lan 7 bậc, Việt Nam 6 bậc nhưng cách chia và định mức mỗi bậc của Việt Nam chưa thật hợp lý với bối cảnh hiện nay. “Nhu cầu sử dụng điện của người Việt Nam tăng lên do thu nhập tăng, nhu cầu và điều kiện sử dụng các thiết bị phục vụ sinh hoạt cũng cao hơn. Do đó bậc thang tính giá điện phải thay đổi để mức tăng giá điện 8,36% không ảnh hưởng nhiều đến người dân”, ĐB Trần Hoàng Ngân nói và đề xuất nên gộp bậc 1 và bậc 2 thành một bậc từ 0-100kWh; bậc 3 và bậc 4 thành một bậc từ 101-300kWh.
Theo ĐB Lê Thu Hà (Lào Cai), Bộ Công thương lý giải giá điện 6 bậc thang là căn cứ tham khảo các quốc gia trên thế giới, “nhưng lại chỉ tham khảo một nửa, mà không tham khảo các chính sách đi kèm của họ”. Ví dụ, tại Mỹ có giá bậc thang nhưng cũng có rất nhiều doanh nghiệp cung cấp điện với giá cạnh tranh. Hay Hàn Quốc, khi thời tiết quá nóng thì Chính phủ quyết định tạm thời giảm giá điện trong tháng 7 và 8 để giúp nhân dân vượt qua giai đoạn này, vì họ coi nắng nóng như thiên tai. Các gia đình có con nhỏ cũng được giảm giá điện và Hàn Quốc đang cân nhắc thay đổi tính giá điện theo mùa... Tán thành việc phải giữ giá điện bậc thang, nhưng ĐB Lê Thu Hà đề nghị phải cân nhắc các bậc thang như thế nào cho hợp lý, bởi bậc 1 ở mức dưới 50kWh đã được áp dụng từ rất lâu, khi các hộ gia đình còn ít thiết bị sử dụng điện.
ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) kiến nghị Quốc hội giám sát chuyên đề việc đầu tư, quản lý, xây dựng định mức giá bán và điều chỉnh giá bán, có nghị quyết giao Chính phủ điều hành giá điện để đảm bảo tính công khai, minh bạch, vì đây là yếu tố ảnh hưởng phát triển kinh tế, liên quan trực tiếp đến đời sống người dân. Vẫn theo ĐB Mai Sỹ Diến, bảng giá điện hiện có 6 bậc và bậc 1-2 là giá thấp hơn giá cơ bản, từ bậc 3 là giá cao hơn giá cơ bản. Báo cáo của của Bộ Công thương có quan điểm điều hành để hỗ trợ cho người sử dụng ít, khuyến khích tiết kiệm điện. “Với cơ chế thị trường, tôi thấy quan điểm này chưa phù hợp, vì người nghèo, người sử dụng ít thì Đảng, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ tiền điện. Nhưng quan điểm của ngành điện trong sử dụng giá bậc 3, 4, 5 để điều tiết, hỗ trợ cho bậc 1, 2, tức là ngành điện đã thò túi của người này để bỏ vào túi người kia, mà không được người bị lấy cắp trong túi đồng tình. Những người sử dụng điện bậc 3, 4, 5 là bị “móc túi”, họ không đồng tình”, ĐB Mai Sỹ Diến gay gắt.
Cùng trong Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội, nhưng ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) vẫn bày tỏ sự băn khoăn và nhấn mạnh: “Giá xăng, điện, trong cơ chế thị trường thì tăng, giảm là bình thường nhưng làm sao để tránh bức xúc trong dư luận. Thời gian qua nếu tuyên truyền hợp lý sẽ không có bức xúc như vậy”. Giải trình về ý kiến ĐB Vũ Thị Lưu Mai, ĐB Dương Quang Thành (Hà Nội), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giải trình cho hay, trong báo cáo của Chính phủ đã nêu rõ. Các chi phí như giá khí, phí môi trường tăng theo nghị quyết của Quốc hội; giá than theo thị trường… Trong năm 2018, chi phí của ngành điện đã tăng thêm 20.000 tỷ đồng so với kế hoạch nên bắt buộc phải điều chỉnh giá điện. Vừa qua, EVN đã tiết giảm chi phí 7.000 tỷ đồng hoạt động, 2.000 tỷ đồng từ hoạt động truyền tải, tổng cộng là 9.000 tỷ đồng. Trong vấn đề điều chỉnh giá điện, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, EVN đã tính toán từ cuối năm 2018. Ngày 27-1, Thường trực Chính phủ đã đồng ý về chủ trương tăng giá điện. Còn trước khi tăng giá điện 2 tuần, Bộ Công thương cũng đã có báo cáo trước Ban Tuyên giáo Trung ương về thời điểm điều chỉnh giá bán điện. Lý do điều chỉnh giá điện vào tháng 3. Thời điểm này không phải không có tiền lệ. Từ năm 2007 đến nay, chúng ta đã có 11 lần tăng giá điện, trong đó có 4 lần vào tháng 3 và 3 lần vào tháng 12. Như vậy, điều chỉnh vào thời điểm tháng 3 là nhiều nhất và như phân tích trong báo cáo của Chính phủ là tháng 3, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhất nên thuận tiện cho điều chỉnh giá điện. Tuy nhiên, tháng 4 vừa qua, do nắng nóng tăng đột biến nên hóa đơn tiền điện tăng cao hơn.
Kiểm toán để người dân thấy minh bạch
ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc kiểm toán lại giá điện, xăng dầu xem có đúng như đề xuất của các cơ quan hay không. “Nếu kiểm toán vào trả lời thì dù tăng hay giảm, người dân cũng thấy minh bạch. Người dân nói tăng giá dù có ảnh hưởng thu nhập, cuộc sống nhưng quan trọng nhất là lòng tin và sự minh bạch trong điều hành giá cả”, ĐB Nguyễn Hữu Cầu nói.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, tới đây sẽ đề nghị Kiểm toán Nhà nước kiểm toán toàn bộ giá điện, báo cáo tài chính của EVN để người dân yên tâm. “Sai ở đâu, Chính phủ, các bộ ngành nhận khuyết điểm chỗ đó”, Phó Thủ tướng nói. Cũng theo Phó Thủ tướng, giá thành sản xuất kinh doanh điện, tình hình hoạt động của EVN được kiểm toán độc lập hàng năm. “Giá điện không gánh chi phí đầu tư ngoài ngành, thua lỗ. Thông tin nào nói như vậy là không chính xác”, Phó Thủ tướng nói.
Đề cập tới hàng loạt dự án điện mặt trời, điện gió đang đẩy mạnh đầu tư, song Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, năng lượng tái tạo không phải lúc nào cũng có thể phát điện. Năng lượng tái tạo đang được mua khoảng 9,35 cent/kWh, tương đương 2.100 đồng, cao hơn mức giá bán lẻ điện bình quân đang bán cho người dân, chưa kể chi phí lớn để tích điện. “Nếu không có giá hợp lý thì không nhà đầu tư nào bỏ tiền ra đầu tư vào điện, và rất khó để EVN tái tạo đầu tư. Bây giờ chúng ta thiếu cả nguồn, hạ tầng, lưới điện”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, giá xăng dầu và điện là mặt hàng bình ổn giá, có điều tiết của Nhà nước và cần từng bước mới tiến tới được thị trường toàn diện. Chính phủ điều hành công khai minh bạch, đảm bảo hài hòa có thị trường nhưng có điều tiết của Nhà nước.
Sức nóng của vấn đề giá điện khiến cho ĐB Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, 3 lý do mà ngành điện, Bộ Công thương lý giải vẫn chưa thuyết phục và dự báo vấn đề giá điện có thể trở thành nội dung nóng để ĐB lựa chọn để chất vấn trong kỳ họp này. Trong buổi họp Quốc hội chiều 22-5, dù bàn về vấn đề khác nhưng Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn EVN Dương Quang Thành một lần nữa lại tiếp tục giải đáp thêm về việc điều chỉnh giá điện trong giờ giải lao của phiên họp. Ông Thành cho biết, EVN đã yêu cầu điện lực các địa phương giải thích rõ cho các đại biểu Quốc hội trước khi các đoàn đi họp và nếu thông tin chưa rõ cho các đoàn ĐBQH sẽ “yêu cầu làm rõ hơn và có bảng tính toán cụ thể để đại biểu hiểu hơn so sánh biểu giá điện trước và sau tăng giá”. Ông Thành cũng cho biết thêm, EVN đang yêu cầu tập hợp lại các số lượng, tỷ lệ khách hàng cũng như giá trị chi phí khách hàng trả từng bậc thang để cân đối cụ thể và chiều 23-5, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) sẽ họp cùng EVN vấn đề này.
Liên quan đến kiến nghị của một số ĐB đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán EVN, ông Dương Quang Thành cho biết năm 2017, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán giá thành sản xuất và giá bán điện của EVN giai đoạn 2014 - 2016, đã có kết luận và EVN đã làm đúng theo các quy định. Song EVN hoan nghênh đề nghị của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và một số ĐBQH khác về việc kiểm toán giá điện, báo cáo tài chính của EVN vì đây “cũng là một việc tốt để người dân tin hơn vào tính minh bạch của giá điện”.