Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Đinh Văn Nhã cho rằng, để khắc phục tình trạng kiểm tra chồng chéo, Kiểm toán Nhà nước chủ trì về triển khai kế hoạch, có sự thống nhất với cơ quan thanh tra khi trình sang Quốc hội.
“Những gì Kiểm toán Nhà nước đã có kế hoạch gắn với kiểm toán tài chính công, tài sản công thì thanh tra không làm nữa”, ông Nhã nói và đặt vấn đề thực hiện công khai kết quả kiểm toán theo chuẩn mực quốc tế.
Tới đây, cần có quy định về giải trình kết quả kiểm toán, tiến hành thường xuyên, liên tục. Theo đó, không chỉ Uỷ ban Tài chính - Ngân sách mà Hội đồng Dân tộc và các ủy ban khác của Quốc hội cũng có thể yêu cầu Kiểm toán Nhà nước giải trình gắn với thực hiện các chuyên đề kinh tế xã hội khác.
Tổng kết phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải còn đề nghị tiếp thu quy định theo hướng Kiểm toán Nhà nước thực hiện giám định tư pháp theo vụ việc khi có yêu cầu; Kiểm toán Nhà nước được quyền truy cập dữ liệu điện tử và trưởng đoàn kiểm toán phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề này.
Ông Hải cũng đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tham gia đóng góp ý kiến đối với các nội dung liên quan, đặc biệt là quy định về quyền khởi kiện trong hoạt động kiểm toán, bởi đây là nội dung mới và lưu ý Kiểm toán Nhà nước cần có đánh giá tác động về nội dung này để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại phiên họp thứ 37.
Cùng ngày, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã họp phiên toàn thể, thẩm tra đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương; đề án thành lập thị xã Sa Pa và một số đề án điều chỉnh địa giới hành chính khác; đề án thành lập 4 phường thuộc thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.