Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đều cơ bản nhất trí với sự cần thiết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự toán vốn đầu tư công năm 2022 đối với dự án sử dụng vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 và bổ sung vốn cho các dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nhằm “điều hòa” giữa nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn, nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đúng thẩm quyền nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.
Cũng có ý kiến bày tỏ lo ngại khi Nghị quyết số 43/2022/QH15 được Quốc hội thông qua từ ngày 11-1-2022 tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, đến nay, sau 8 tháng, Chính phủ mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội danh mục các dự án là rất chậm, làm giảm hiệu quả, ý nghĩa của chương trình. Do đó, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ nguyên nhân chậm; nêu rõ các giải pháp để bảo đảm việc thực hiện được mục tiêu chương trình và hoàn thành việc giải ngân trong năm 2022-2023.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh, việc phân bổ, bố trí vốn cho các dự án thuộc chương trình phải tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc và tiêu chí quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15. Qua giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, có thể thấy thực trạng bố trí vốn nơi thừa, nơi thiếu và “có lĩnh vực triền miên giải ngân chậm”. Vì vậy, việc điều hòa nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là rất cần thiết. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về bổ sung dự toán ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư công năm 2022, trong đó xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức cá nhân, khống chế tiến độ thực hiện.