Ngày 18-7, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang cho biết, trong cuộc họp ngày 18-7 với UBND tỉnh Hà Giang và các đơn vị liên quan, Sở GD-ĐT Hà Giang đã xin ý kiến về việc đề nghị Công an tỉnh khởi tố, vào cuộc điều tra những vi phạm về điểm thi THPT tại tỉnh này. Trên cơ sở đề nghị của Sở, trong cuộc họp Thường trực UBND tỉnh Hà Giang ngày 18-7, tỉnh đã giao Công an tỉnh điều tra, xử lý vụ việc.
Trước đó, trong cuộc họp báo chiều 17-7, Bộ Công an cũng cho biết để làm rõ những dấu hiệu bất thường về điểm thi ở Hà Giang, Bộ đã cử đại diện Cục An ninh chính trị nội bộ (A83) tham gia cùng tổ công tác của Bộ GD-ĐT tại Hà Giang trong những ngày qua.
Kết quả điều tra về sai phạm của ông Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Giang đã được công bố trong cuộc họp báo, việc có khởi tố hay không phải chờ làm rõ các dấu hiệu sai phạm.
Trong hơn 2 tiếng, từ 12 giờ đến 14 giờ 38, ông Lương mở ổ khoá niêm phong, rút bài ở các túi, tẩy xóa và sửa theo đáp án đã chuẩn bị trước. Khi thực hiện lại các hành vi gian lận cho tổ công tác, ông Lương chỉ mất 6 giây để sửa kết quả cho một bài thi. Công an đang làm rõ có ai tiếp tay trong việc này hay không.
Được biết, sáng ngày 18-7, ông Lương vẫn đi làm bình thường. Theo ông Vũ Trọng Hiền, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Hà Giang, hiện nay bên công an vẫn chưa có kết luận gì về vụ việc nên ông Lương vẫn đến làm việc tại Sở. Hiện ông Lương đã bị đình chỉ chức danh Thư ký tại Hội đồng thi Hà Giang.
Trước đó, tối 17-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Hiện nay, nhiều ý kiến đang quan tâm tại sao công an chưa khởi tố vụ án. Nhiều chuyên gia giáo dục cũng như luật sư cho rằng vụ việc đủ dấu hiệu để khởi tố.
Theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT, với vụ việc nghiêm trọng ở Hà Giang, điều quan trọng cần làm nhất hiện nay không phải là "nghiên cứu" tìm cách đối phó với các khe hở tạo điều kiện cho tiêu cực trong thi cử, mà là trừng phạt ở mức nặng nhất những kẻ vi phạm. “Còn đợi gì mà chưa khởi tố và bắt giam”, ông Tùng đặt vấn đề.
Trong cuộc họp báo chiều 17-7, trả lời câu hỏi của phóng viên về "hành vi sửa điểm hàng loạt bài thi của ông Vũ Trọng Lương có bị khởi tố hình sự?, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho hay, theo khoản 5 và khoản 6 của Điều 49 trong Quy chế thi THPT quốc gia hiện hành, cho đến thời điểm hiện nay, chưa đủ cơ sở, căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Việc này sẽ được xem xét tiếp trên cơ sở có kết quả điều tra cụ thể của các bên liên quan, cụ thể là của Bộ Công an. Nếu đủ điều kiện thì sẽ xem xét kết luận”, ông Trinh cho biết.
Tuy nhiên, theo TS Lê Trường Tùng, về tội danh của ông Lương, đừng viện dẫn các thông tư về quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, vì “không dùng Thông tư để khởi tố được”. Thay vào đó, cần vận dụng điều 359 Bộ Luật Hình sự 2015 về tội Giả mạo trong công tác để khởi tố.
Cụ thể, điều 359 Bộ Luật Hình sự 2015 về tội Giả mạo trong công tác nêu rõ: người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu thì bị sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng.
Theo ông Lê Trường Tùng, nếu không khởi tố bắt giam ngay thì chúng ta không chỉ coi thường sự học của người dân và pháp luật, mà khi đó dư luận có quyền nghi ngờ về sự dính líu của những người có chức quyền tại địa phương trong vụ này.
Dư luận xã hội cũng cho rằng cần khởi tố vụ án, giao vụ việc cho Bộ Công an điều tra để bảo đảm minh bạch. Bộ Công an cần vào cuộc làm rõ trắng đen, đem lại niềm tin cho nhân dân.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, riêng việc mang điện thoại vào nơi chấm thi mà các thành viên trong tổ chấm thi không có ý kiến thì tất cả phải truy cứu trách nhiệm.