Đề nghị kéo dài thời hạn thực hiện chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp du lịch ​

“Trong bối cảnh khó khăn này, nên kéo dài thêm thời hạn thực hiện các chính sách hỗ trợ đến năm 2023 để góp phần giúp các doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn do đại dịch", Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng đề nghị.

 

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: VIẾT CHUNG
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: VIẾT CHUNG

Chiều 10-8, tiếp tục hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng đăng đàn giải trình về giải pháp đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; công tác quản lý, bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử quốc gia; giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử…

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung làm việc.

Các ĐB Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp), Đôn Tuấn Phong (An Giang) đề nghị người đứng đầu ngành VH-TT-DL cho biết về những giải pháp hỗ trợ ngành du lịch phục hồi, phát triển trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến khó lường, một số quốc gia hiện vẫn chưa sẵn sàng mở cửa thị trường du lịch và vẫn hạn chế đi lại.

ĐB Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) nhấn mạnh, Nghị quyết số 08 ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nghị quyết cũng đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó về tài chính đã xác định ban hành chính sách điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất, có chính sách phù hợp về thuế và tiền thuê đất đối với dự án du lịch có hệ số sử dụng đất cho xây dựng thấp và hạn chế về chiều cao. Tuy nhiên, đến nay thì định hướng này chưa được cụ thể hóa thành các quy định để triển khai thực hiện.

Đề nghị kéo dài thời hạn thực hiện chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp du lịch ​ ảnh 2 ĐB Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp). Ảnh: VIẾT CHUNG
Nhận định khái quát rằng du lịch đang có bước phát triển sau đại dịch, khách nội địa tăng; khách quốc tế bắt đầu tìm đến. Ông Hùng cho biết chỉ tiêu về khách nội địa đã đạt được, khách quốc tế đang phấn đấu. Đến thời điểm này, so với các nước ASEAN thì số lượng khách đến Việt Nam không nhiều, nhưng vẫn cao hơn một số nước như Philippines, Campuchia; thấp hơn Thái Lan, Malaysia.
"Điều đó cho thấy chúng ta nên bình tĩnh phục hồi thị trường truyền thống", ông Hùng nói và cho biết thêm 70% lượng khách quốc tế đến Việt Nam là các thị trường Trung Quốc, sau đó là Hàn Quốc, Nhật Bản và đang bị phụ thuộc vào chính sách phòng chống Covid-19 của các nước này. Mặc dù vậy, số lượng du khách chưa nói lên tất cả, cần thay đổi cách tính toán hiệu quả căn cứ vào mức chi tiêu của du khách chứ không chỉ là số lượng.

Về giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy ngành du lịch, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng cần có thời gian để các doanh nghiệp lữ hành kết nối lại với khách hàng truyền thống. Các ngành có liên quan để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách tham quan, bảo đảm hơn về chất lượng dịch vụ du lịch, chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh lữ hành…

Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết, bộ đã và đang tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo và giảng viên; đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế về đào tạo nhân lực cho ngành du lịch. Bộ trưởng cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục cho kéo dài việc áp dụng các chính sách hỗ trợ người lao động; miễn giảm thuế, miễn giảm tiền điện cho các cơ sở lưu trú.

“Trong bối cảnh khó khăn này, nên kéo dài thêm thời hạn thực hiện các chính sách hỗ trợ này đến năm 2023 để góp phần giúp các doanh nghiệp du lịch vượt qua những khó khăn do đại dịch", ông Hùng đề nghị.

Tin cùng chuyên mục